Cần duy trì hỗ trợ nhân đạo cho Syria trong bối cảnh tiến trình chính trị bế tắc

Nhật Minh| 26/06/2021 11:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh Hội đồng Bảo an chuẩn bị xem xét gia hạn cơ chế viện trợ xuyên biên giới tới Syria, Đặc phái viên viên của Tổng Thư ký LHQ về Syria Geir Pedersen nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký về việc cần tiếp tục duy trì cơ chế ny thêm 12 tháng để bảo hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại khu vực Tây Bắc.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 25/6 đã tiến hành phiên họp định kỳ về tiến trình chính trị tại Syria.  

Báo cáo trước HĐBA, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Syria Geir Pedersen nhấn mạnh cần có sự thống nhất trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho khủng hoảng tại Syria trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA; kêu gọi cộng đồng quốc tế thiết lập các cơ chế đối thoại mới nhằm từng bước hỗ trợ giải quyết tình hình.

vien-tro-nhan-dao-khap-syria.jpeg
Cuộc họp định kỳ bằng hình thức trực tuyến về tình hình tại Syria hồi tháng 5/2021

Hiện nay, Đặc phái viên đang tiếp tục làm cầu nối thúc đẩy đàm phán trong khuôn khổ Uỷ ban Hiến pháp giữa các Chính phủ và phe đối lập. Phó Đặc phái viên đang trực tiếp có mặt tại Damascus để trao đổi với hai bên nhằm thống nhất thủ tục làm việc, hướng tới việc đi vào trao đổi thực chất về nội dung dự thảo Hiến pháp sau khi không có tiến triển gì kể từ khi thành lập Uỷ ban Hiến pháp vào tháng 11/2019. Đặc phái viên cho biết đang duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác quốc tế và khu vực nhằm hỗ trợ tiến trình đàm phán này.

Đặc phái viên Geir Pedersen chỉ ra nhiều dấu hiệu của khả năng leo thang xung đột trong tháng vừa qua, dù các thoả thuận ngừng bắn cơ bản được duy trì trên thực địa trong hơn một năm nay. Đặc biệt, vụ tấn công ngày 12/6 vào bệnh viện Al-Shifa’a tại Afrin, phía Bắc Syria, gây nhiều thương vong cho dân thường và nhân viên y tế. Bên cạnh đó, khu vực Tây Bắc gần đây cũng chứng kiến căng thẳng leo thang khiến hàng ngàn dân thường bị buộc rời khỏi nơi cư trú. Hoạt động của khủng bố ở nhiều khu vực không có dấu hiệu suy giảm.

Ngoài ra, trong bối cảnh HĐBA chuẩn bị xem xét gia hạn cơ chế viện trợ xuyên biên giới tới Syria, Đặc phái viên nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ về việc cần tiếp tục duy trì cơ chế này thêm 12 tháng để bảo hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại khu vực Tây Bắc.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh việc cần xây dựng lòng tin giữa các bên nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị, đề cao vai trò hỗ trợ quan trọng của cộng đồng quốc tế thông qua việc tăng cường đối thoại, giải quyết các khác biệt hiện có.

Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên kiềm chế và duy trì môi trường an ninh thuận lợi cho việc thúc đẩy giải pháp chính trị; nhấn mạnh cần phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố để bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế.

Cùng ngày, phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Christian Lindmeier, cho rằng việc không gia hạn hoạt động viện trợ xuyên biên giới cho Syria, theo kế hoạch sẽ hết hạn vào tháng 7 tới, có thể dẫn đến một "thảm họa nhân đạo" mới đối với khu vực do phiến quân kiểm soát ở Tây Bắc quốc gia Trung Đông này.

Người phát ngôn Lindmeier nhấn mạnh việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) không gia hạn sứ mệnh này thêm một năm vào ngày 10/7 tới sẽ khiến công tác cung cấp vaccine cho khu vực này, bao gồm cả vaccine ngừa COVID-19, trở nên bất khả thi.

Trong khi đó, phát biểu trước các thành viên HĐBA hôm 23/6, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng: "Việc HĐBA không gia hạn hoạt động nhân đạo này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Người dân Syria đang rất cần được giúp đỡ và điều cần thiết là phải huy động tất cả nguồn lực của chúng ta".

abou-hol-camp.jpg
Cần duy trì hỗ trợ nhân đạo cho Syria trong bối cảnh tiến trình chính trị bế tắc. Ảnh minh họa

Trước đó, hôm 16/6, ông Guterres cũng đã kêu gọi gia hạn hoạt động viện trợ nói trên qua cửa khẩu Bab al-Hawa dẫn tới tỉnh Idlib của Syria thêm 12 năm.

Cuộc xung đột kéo dài một thập kỷ tại Syria đã khiến hơn 380.000 người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đẩy quốc gia này rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

OCHA dự báo 90% trong 3,4 triệu người dân tại khu vực Tây Bắc Syria sẽ phải đối mặt với các điều kiện sống cực đoan hoặc thảm khốc. OCHA cũng quan ngại về tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi đối với 13,4 triệu người trong tổng số hơn 17,5 triệu dân tại Syria sau một thập kỷ xung đột, cũng như do khủng hoảng kinh tế và đại dịch COVID-19.

Kể từ năm 2014-2019, HĐBA LHQ hàng năm đã ra nghị quyết cấp phép vận chuyển cứu trợ cho Syria qua 4 cửa khẩu, gồm 2 cửa khẩu với Thổ Nhĩ Kỳ, một với Jordan và một với Iraq. Tuy nhiên từ tháng 1/2020, HĐBA quyết định chỉ cấp phép vận chuyển qua 2 cửa khẩu biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ với thời hạn 6 tháng.

Đến tháng 7 sau đó, dù thông qua nghị quyết nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria, nhưng HĐBA chỉ cho phép tiến hành hoạt động này thông qua một cửa khẩu duy nhất, đó là cửa khẩu Bab al-Hawa. Hiện nay, khoảng 50% lượng hàng hóa viện trợ nhân đạo cho khu vực Tây Bắc Syria là qua cửa khẩu này.

Văn phòng Điều phối nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhấn mạnh cửa khẩu Bab al-Hawa là tuyến giao thông huyết mạch cuối cùng tại Syria, giúp hàng triệu người dân ở khu vực Tây Bắc nước này không rơi vào thảm họa nhân đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần duy trì hỗ trợ nhân đạo cho Syria trong bối cảnh tiến trình chính trị bế tắc