Ngày 25/7, Liên hợp quốc đã kêu gọi hành động để giảm thiểu số người tử vong vì nắng nóng do biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo, nhân loại đang phải hứng chịu "đại dịch nhiệt độ cực đoan".
Ông nhấn mạnh rằng, ngày 22/7 vừa qua là ngày nóng nhất được ghi nhận từ trước tới nay, vượt qua kỷ lục được thiết lập chỉ một ngày trước đó.
"Hàng tỷ người đang phải đối mặt với ‘đại dịch nhiệt độ cực đoan’, chịu đựng những đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm, với nhiệt độ lên tới 50 độ C trên toàn thế giới, chỉ còn ‘nửa đường’ nữa là chạm tới nhiệt độ nước sôi", ông Guterres cho biết.
Ông kêu gọi hành động để hạn chế tác động của các đợt nắng nóng, vốn đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ cao thường ít thấy hơn các tác động tàn phá khác của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như bão hoặc lũ lụt, nhưng nó lại gây tử vong nhiều hơn.
Theo tài liệu "Kêu gọi hành động về tình trạng nắng nóng khắc nghiệt" của Liên hợp quốc được công bố ngày 25/7, "kẻ giết người thầm lặng" này đã gây ra khoảng 489.000 ca tử vong mỗi năm trong giai đoạn 2000-2019, so với 16.000 ca tử vong mỗi năm do lốc xoáy.
Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các quốc gia trên thế giới thông qua một số đề xuất nhằm giảm tử vong do nắng nóng, bắt đầu bằng việc hỗ trợ làm mát và chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất - người nghèo, người già, trẻ em và người bệnh.
"Nắng nóng xảy ra ở khắp mọi nơi, nhưng không ảnh hưởng đến tất cả mọi người như nhau", ông Guterres cho biết. "Nhiệt độ cao làm gia tăng sự bất bình đẳng, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và đẩy mọi người vào cảnh nghèo đói hơn nữa".
Liên hợp quốc cũng kêu gọi đưa ra cảnh báo tốt hơn về các đợt nắng nóng, mở rộng "hoạt động làm mát thụ động", thiết kế đô thị tốt hơn, tăng cường bảo vệ cho người lao động ngoài trời và nỗ lực hơn nữa để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Ông Guterres cho biết, nếu các quốc gia áp dụng khuyến nghị của Liên hợp quốc để chống nóng, "những biện pháp này có thể bảo vệ 3,5 tỷ người vào năm 2050, đồng thời cắt giảm khí thải và tiết kiệm cho người tiêu dùng 1.000 tỷ đô la mỗi năm" (trích dẫn ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc).
Báo cáo cho biết, dựa trên ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Khí tượng Thế giới, hệ thống cảnh báo sức khỏe do nhiệt độ cao tốt hơn tại 57 quốc gia có thể cứu sống 98.314 người mỗi năm.
Theo tổ chức Copernicus châu Âu, ngày 21, 22 và 23 tháng 7 là ba ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn thế giới, trong đó ngày 22 tháng 7 giữ kỷ lục tuyệt đối là 17,16 độ C (62,9 độ F).
Cả ba ngày này đều nóng hơn ngày nóng nhất trước đó của Trái đất vào năm 2023.
Nhiệt độ trên 40 độ C (104 độ F) đang trở nên phổ biến hơn. Trong khi năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận, năm 20 có khả năng sẽ lập kỷ lục mới.