Phóng sự - Ghi chép

Cầu Hiền Lương: Nhịp cầu lịch sử nối liền non sông thống nhất

Quang Thạnh 28/04/2025 06:20

Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Nhân dân khắp mọi miền lại hướng về những địa danh đã trở thành biểu tượng bất diệt của khát vọng đoàn tụ, trong đó có cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị – nơi từng là giới tuyến chia đôi đất nước suốt hơn hai thập kỷ.

hien-luong-4.jpg
Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị, nơi từng là giới tuyến chia đôi đất nước suốt hơn hai thập kỷ.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam – Bắc. Cầu Hiền Lương – cây cầu dài chưa đầy 200m bắc qua dòng sông ấy – trở thành ranh giới địa lý nhưng mang ý nghĩa chính trị to lớn.

Nơi đây chứng kiến bao cuộc chia ly, bao giấc mơ đoàn viên bị ngăn trở và cũng là tâm điểm của những "cuộc chiến" không tiếng súng nhưng căng thẳng, quyết liệt kéo dài suốt từ năm 1954 đến trước thời điểm đất nước thống nhất.

hien-luong-3.jpg
Ông Nguyễn Đức Lãng, người được giao nhiệm vụ may những lá cờ Tổ quốc để treo trên kỳ đài Hiền Lương

Câu chuyện may cờ tại giới tuyến, do ông Nguyễn Đức Lãng (SN 1937, trú tại TP Đông Hà, Quảng Trị) kể lại, là một minh chứng sống động cho khát vọng hòa bình được dệt nên từ từng mũi kim, đường chỉ.

Ông Lãng là người lính thuộc Ban Hậu cần Công an giới tuyến huyện Vĩnh Linh, từ năm 1960 được giao nhiệm vụ đặc biệt: may những lá cờ Tổ quốc để treo trên kỳ đài Hiền Lương.

“Lá cờ lớn nhất tôi từng may có diện tích 96m², nặng hàng chục ký. Mỗi cánh sao vàng dài đến 5m. Trong điều kiện thiếu thốn, chúng tôi phải ngồi khâu cờ bằng tay, dưới ánh đèn dầu leo lét, trong hầm tránh bom hoặc giữa rừng sâu”, ông xúc động chia sẻ.

Những lá cờ ông Lãng và đồng đội may ra là biểu tượng của tinh thần bất khuất, là lời khẳng định mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mỗi lần cờ bị bom đạn địch phá hủy, ông Lãng lại lặng lẽ bắt tay vào may cờ mới. “Mỗi lần nhìn lá cờ tung bay, tôi như thấy hình hài đất nước”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Trợ (SN 1936, trú tại xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) là người dân đầu tiên trực tiếp vào rừng chặt cây phi lao để dựng nên cột cờ đầu tiên cao 12m, ngay sau Hiệp định Genève.

Là tiểu đội trưởng dân quân, ông Trợ vừa lao động sản xuất, vừa phối hợp cùng lực lượng Công an giới tuyến bảo vệ cầu, bảo vệ cột cờ. Cao nhất thời điểm ấy là cột cờ thép ống 38,6m, nơi lá cờ do ông Lãng may từng kiêu hãnh tung bay giữa khói lửa chiến tranh.

hien-luong-5.jpg
Hiền Lương – Bến Hải đang đổi thay từng ngày

Chiến thắng 30/4/1975 mở ra kỷ nguyên độc lập – tự do – thống nhất của dân tộc. Hiền Lương – Bến Hải từ biểu tượng chia cắt trở thành biểu tượng của hòa hợp, của niềm tin dân tộc.

Năm 2013, nơi đây được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và trở thành điểm đến tâm linh – lịch sử quan trọng, thu hút hàng vạn lượt người về tri ân mỗi năm.

Quảng Trị không chỉ có Hiền Lương – Bến Hải mà còn là nơi quy tụ những địa danh “thép”: Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, sân bay Tà Cơn, Cồn Tiên – Dốc Miếu… Những địa danh ấy hợp thành bức tranh lịch sử hào hùng, nơi từng tấc đất thấm máu và nước mắt, nhưng cũng sáng ngời tinh thần dân tộc.

Ngày nay, Quảng Trị đang từng ngày đổi thay mạnh mẽ. Những cánh đồng bát ngát, những trang trại điện gió hiện đại, các khu công nghiệp mọc lên và những cung đường trải dài xuyên dọc Trường Sơn là minh chứng cho sự hồi sinh kỳ diệu. Giá trị lịch sử trở thành nền tảng tinh thần để thế hệ hôm nay vươn lên, tiếp tục viết nên những trang sử mới cho vùng “đất thiêng”.

Mỗi dịp kỷ niệm 30/4, người dân Quảng Trị không chỉ tưởng nhớ công ơn của những người ngã xuống, mà còn nhắc nhớ nhau về sứ mệnh tiếp bước truyền thống, xây dựng quê hương giàu đẹp. Những lá cờ đỏ sao vàng giờ đây vẫn tiếp tục tung bay trong lễ hội, trong mỗi dịp trọng đại – như một lời nhắc: Khát vọng hòa bình, thống nhất vẫn mãi trường tồn trong tâm hồn người Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu Hiền Lương: Nhịp cầu lịch sử nối liền non sng thống nhất