“Cũng vì cái gật đầu năm ấy mà thanh xuân của bà chẳng có gì ngoài nỗi nhớ, kỷ niệm và bây giờ là sự cô đơn. Nhưng bà vẫn yêu ông và chưa từng hối tiếc. Yêu một người chiến sĩ, yêu một liệt sĩ là chấp nhận sống cuộc đời chờ đợi”, bà Trần Thị Tuấn – Vợ liệt sĩ Nguyễn Đình Huề rưng rưng nói.
Yêu một người chiến sĩ, yêu một liệt sĩ là chấp nhận sống cuộc đời chờ đợi
Trong ngôi nhà nhỏ, đơn sơ tại thôn Tân Phong, xã Kỳ Giang cũ, nay là xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thời gian như ngưng đọng lại, bà Trần Thị Tuấn – Vợ liệt sĩ Nguyễn Đình Huề đã bước sang tuổi 83, dáng nhỏ, lưng còng, tuổi tác đã làm đôi tai bà yếu đi nhưng ánh mắt, giọng nói và đặc biệt là trí nhớ vẫn còn rất tinh anh.
"Lấy chồng chiến binh, mấy người đi rồi trở lại". Lời bài hát ấy như vận vào cuộc đời bà Tuấn. Bà lấy chồng, niềm vui chưa trọn thì ông phải lên đường ra chiến trận, rồi bom đạn kẻ thù đã cướp ông ra khỏi vòng tay của bà.
Đặt nhẹ ly nước xuống bàn, khuôn mặt trầm tư một lúc như thể xâu chuỗi lại một cách tuần tự những dữ kiện đã xảy ra trong cuộc đời mình rồi bà chầm chậm kể.
Năm ấy – năm 1962, bà tròn 20 tuổi, ông (Liệt sĩ Nguyễn Đình Huề) hơn bà 2 tuổi, trước đó hai người gặp nhau trong những buổi sinh hoạt của thôn, những lần cùng nhau gánh nước, cấy lúa, và rồi tình yêu lớn dần giữa thời chiến tranh gian khó. Đám cưới của ông bà giản dị, chỉ một mâm cau trầu, vài bó hoa vườn cùng những lời chúc phúc của hai bên gia đình.
“26/12/1962 thì chúng tôi tổ chức đám cưới nhưng đến ngày 4/1/1963 là ông ấy trở về đơn vị, chỉ vẻn vẹn mười ngày bên nhau. Ông đi biền biệt, cả năm trời mới về được ít ngày rồi lại đi. Giữa thời chiến tranh loạn lạc, ai cũng phải sẵn sàng đối mặt với sự hy sinh nên mỗi lần ra đi ông đều nắm tay tôi nhắn gửi đủ điều, hẹn ngày hết giặc sẽ sum họp…”, bà Tuấn kể.
Thế nhưng, lời hứa hẹn về ngày gia đình đoàn tụ của người chiến sỹ ấy đã mãi mãi không thực hiện được. Năm 1965, bà Tuấn đau như có thể chết khi nhận tin báo về việc chồng mình – Ông Nguyễn Đình Huề đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh ác liệt. Bức điện báo ngắn ngủi như sét đánh ngang tai. Bà Tuấn ngã quỵ, lòng quặn thắt.
Tính ra, từ năm 1962 đến 1965, ba năm trời, hai vợ chồng bà chỉ gặp nhau được ba lần, mỗi lần vỏn vẹn vài ngày ngắn ngủi. Mỗi lần ông về là mỗi lần bà Tuấn giấu đi những giọt nước mắt trong lòng, mừng mừng tủi tủi cố gắng giữ chặt lấy từng khoảnh khắc bên ông như giữ một giấc mơ mong manh. Còn ông Huề, dù khói lửa chiến trường luôn kề bên, vẫn mang trong tim hình bóng người vợ hiền ở quê nhà. Thời gian bên nhau không lâu nhưng những ký ức đẹp đẽ đã mãi ghim chặt vào lòng bà - Ông với nụ cười hiền lành, cái nắm tay rất ấm và lời hứa hẹn đinh ninh…
Một đời yêu, một đời chờ…
Cả cuộc đời hơn 80 năm của bà chỉ gói gọn trong từng đó mốc thời gian, còn lại là những năm tháng khắc khoải nhớ mong. Chiến tranh đã cướp đi của bà người chồng thân yêu, cướp đi của bà niềm hạnh phúc được làm vợ và để lại nỗi buồn thương đằng đẵng...
Trên đường đời thăm thẳm, khi bom đạn chiến tranh đã lùi xa, đôi ba người cảm mến xin được chung bước cùng bà nhưng bà đều từ chối. Bà chấp nhận ở vậy, thờ chồng.
“Cũng vì cái gật đầu năm ấy mà thanh xuân của bà chẳng có gì ngoài nỗi nhớ, kỷ niệm và bây giờ là sự cô đơn. Nhưng bà vẫn yêu ông và chưa từng hối tiếc. Yêu một người chiến sĩ, yêu một liệt sĩ là chấp nhận sống cuộc đời chờ đợi. Ông đi, coi như đã sống trọn đời cho Tổ quốc!”, bà không khóc nhưng nước mắt cứ nhòe ra…
Cầm bức hình của ông, bà bảo bản thân đã đi được gần hết cuộc đời nhưng có một mong ước mà đến tận bây giờ bà vẫn chưa thực hiện được đó là tìm kiếm được thông tin, phần mộ của chồng mình – Liệt sĩ Nguyễn Đình Huề.
“Ngày đó, thông tin quá ít, nhà ông lại neo người, mình tôi chắp nối thông tin, nhờ khắp nơi nhưng cũng không có kết quả. Hồ sơ, giấy tờ liên quan đến ông đều thất lạc hết. Di vật của ông chỉ còn lại tấm hình đã hoen ố theo thời gian”, bà Tuấn nói trong day dứt.
Tháng Bảy về trong sự trầm mặc và lòng biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, và càng biết ơn hơn những sự hy sinh cao cả của những người mẹ, người vợ đã thầm lặng vượt qua bao mất mát không gì có thể bù đắp, để rồi kiên cường đứng dậy, sống cuộc đời ý nghĩa trong hành trình viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.