Trước việc Dự án Xây dựng công viên Yên Sở chậm 8 năm so với tiến độ được duyệt cùng với một số vi phạm trong quá trình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện việc giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.
Theo tìm hiểu, Dự án Xây dựng công viên Yên Sở (Dự án) được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2017. Theo các Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp, điều chỉnh, Dự án có mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh công viên Yên Sở bao gồm các công trình công cộng vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, dịch vụ (diện tích là 286,77ha); Đầu tư, xây dựng khách sạn, văn phòng cho thuê, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, trung tâm thể thao và cung cấp dịch vụ có liên quan (diện tích là 35,8ha).
Tổng vốn đầu tư Dự án là 13.662,9 tỷ đồng, trong đó, nhà đầu tư - Tập đoàn Gamuda Berhad (tổ chức kinh tế thực hiện dự án là Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam-PV) sẽ góp 2.732,58 tỷ đồng dưới hình thức chi phí trước khi thành lập, máy móc và thiết bị, vật liệu xây dựng hoặc bằng tiền mặt, trong vòng 6 năm; phần còn lại 10.930,32 tỷ đồng là vốn huy động và vốn huy động phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và quy định của pháp luật hiện hành.
Tiến độ thực hiện dự án được phân thành 2 giai đoan, trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng Công viên; nạo vét lòng hồ, kè hồ hoàn thành trước ngày 10/10/2010; giai đoạn 2, hoàn thành các công trình còn lại năm 20.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, tính đến nay, Dự án hiện đang bị chậm 08 năm so với tiến độ đã được phê duyệt. Nguyên nhân khiến Dự án chậm tiến độ được cho là do quá trình thực hiện công tác GPMB, giao đất, cho thuê đất chậm; việc thay đổi quy hoạch của TP Hà Nội ảnh hưởng tới tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án; tác động do thay đổi quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, xây dựng và pháp luật liên quan; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ KH&ĐT cho biết, qua kiểm tra, mức vốn góp của nhà đầu tư cho dự án đã vượt cam kết tại Giấy chứng nhận đầu tư (3.335 tỷ đồng/2.732,58 tỷ đồng).
Như vậy, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, việc không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là vi phạm hành chính.
“Tại văn bản báo cáo của UBND TP Hà Nội chưa có nội dung về việc xem xét, xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với vấn đề này”, - Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư, Dự án đã được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 31/12/2007 với quy mô 322,57 ha, đến nay đã hơn 16 năm tuy nhiên phần diện tích đất đã giao nhà đầu tư chỉ là là 90,6 ha, toàn bộ phân diện tích đất tại Khu B chưa hoàn thành GPMB.
Dự án đã được triển khai trong thời gian dài (từ năm 2007 đến nay) và được UBND TP Hà Nội chấp thuận, phê duyệt và chỉ đạo thực hiện bằng nhiều văn bản khác nhau. Các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của Dự án trong thời gian này cũng có sự thay đổi.
Căn cứ các lý do nêu trên và quy định tại khoản 4 Điều 69 và Điều 70 Luật Đầu tư, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện việc giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc thẩm quyền, đảm bảo đánh giá đầy đủ các nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Trong quá trình giám sát, đánh giá, Bộ KH&ĐT đề nghị: làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới Dự án chậm triển khai thực hiện; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với hành vi vi phạm (nếu có); khẳng định rõ việc Dự án có đủ điều kiện tiếp tục triển khai theo quy định của pháp luật hay không; và chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư rà soát, bảo đảm quá trình triển khai Dự án được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đầu tư và các văn bản pháp luật có liên quan.
Trong khi đó, được biết Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam vừa đề xuất xin kéo dài thời gian thực hiện Dự án xây dựng công viên Yên Sở lên đến năm 2030 và tăng vốn đầu tư dự án lên 29.518 tỉ đồng. Đáng chú ý, ngoài đề xuất tăng vốn, giảm diện tích đất dự án, Gamuda Land cũng đề xuất điều chỉnh thời gian hoạt động dự án, tiến độ thực hiện dự án và sơ bộ phân kỳ đầu tư.