Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung trên trong bi phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 theo hình thức trực tuyến, diễn ra sáng ngy 20/5.
Hội nghị quốc tế về Tương lai Châu Á là một trong những diễn đàn đối thoại chính sách hàng đầu ở châu Á do hãng thông tấn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức thường niên từ năm 1995 với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp và học giả các nước châu Á và quốc tế.
Hội nghị năm nay còn có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống Sri Lanka, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Nepal, Thủ tướng Pakistan, Thủ tướng Thái Lan, Phó Thủ tướng Singapore và nguyên Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Cùng với hơn 500 đại biểu là doanh nghiệp, học giả, đại diện bộ, ngành của Nhật Bản và các nước, cùng đại diện tổ chức khu vực và quốc tế tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu COVID: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong bối cảnh mới; các nỗ lực ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo ở khu vực; các thách thức truyền thống và phi truyền thống mà châu Á đang phải đối mặt, và các giải pháp kiến tạo kỷ nguyên mới sau đại dịch nhằm bảo đảm xu thế chủ đạo là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của châu lục.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về việc tái kết nối khu vực thông qua giao lưu văn hóa, giao lưu con người; tăng cường liên kết kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực; những lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong kỷ nguyên COVID-19; và vai trò của châu Á trong tiến trình phục hồi và duy trì động lực phát triển của kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Báo Nikkei đã lựa chọn chủ đề phù hợp cho Hội nghị lần này, đó là: “Định hình kỷ nguyên hậu Covid: Vai trò của châu Á trong khôi phục toàn cầu”; thể hiện vị thế, vai trò của châu Á trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.
Theo Thủ tướng, Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo trên thế giới và ở khu vực, tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân các nước. Tác động của đại dịch đã làm bộc lộ gay gắt hơn những vấn đề mà châu Á cũng đang phải đối mặt như khoảng cách phát triển về thể chế, hạ tầng, công nghệ; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...; hơn thế nữa, đại dịch đã làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.
Khẳng định, châu Á luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế và chính trị thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng và đa diện đến sự định hình kỷ nguyên mới. Trong nhiều thập kỷ qua, châu Á đã vững vàng vượt qua không ít khủng hoảng, suy thoái, thảm họa thiên nhiên; vươn lên trở thành một động lực rất quan trọng của kinh tế toàn cầu. Sự thành công bước đầu của các nước châu Á trong phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế thời gian qua đã chứng minh sự năng động và sức sống mãnh liệt của một khu vực đang vươn lên khẳng định vị thế trong một thế giới đang thay đổi.
Cho rằng đại dịch COVID-19 được đánh giá là “thảm họa lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”, đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, khu vực, cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mâu thuẫn, bất đồng, đoàn kết, thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng vượt qua đại dịch.
“Càng trong những lúc khó khăn, chúng ta càng cần phải đoàn kết hơn nữa, hợp tác bình đẳng, gắn bó hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đặc biệt. Chúng ta cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai; cùng nhau “Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19””, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tập trung vào 6 nội dung hợp tác
Với phương châm phát triển mạnh mẽ nội lực, khả năng thích ứng, tự lực tự cường; tăng cường củng cố hợp tác quốc tế; lấy con người làm trung tâm, lấy những giá trị văn hóa cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng, lấy khó khăn thách thức làm động lực để hợp tác cùng vươn lên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính cần tập trung vào 6 nội dung hợp tác sau:
Thứ nhất, phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao là biện pháp hữu hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời là đột phá chiến lược về dài hạn. Với tốc độ phát triển hiện nay, châu Á cần hệ thống hạ tầng vững chắc để hỗ trợ phát triển kinh tế và kết nối thông suốt từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, đến 2030 các quốc gia châu Á đang phát triển cần đầu tư ít nhất 1.700 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Do vậy, chúng tôi hoan nghênh các sáng kiến về cơ sở hạ tầng chiến lược chất lượng cao mà Chính phủ Nhật Bản và các đối tác đã đề xuất. Chúng ta cũng cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo trong huy động vốn và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, khuyến khích các hình thức đối tác công - tư (PPP), lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Thứ hai, thúc đẩy tiến trình hợp tác, hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả song phương, đa phương nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phục hồi hậu COVID của châu Á sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng duy trì thương mại và đầu tư cả trong nội khối cũng như với các khu vực bên ngoài. Các nỗ lực này cần được triển khai ở tất cả các cấp độ từ toàn cầu, khu vực, liên khu vực, đến nỗ lực cải cách trong nước của mỗi quốc gia. Các khuôn khổ liên kết kinh tế theo hướng mở, dựa trên luật lệ như CPTPP, RCEP sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình phục hồi và phát triển kinh tế khu vực. Đồng thời, các bên cần cùng nhau thảo luận, tìm ra cách thức vận hành nền kinh tế khu vực phù hợp với điều kiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ưu tiên cho lưu chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, bảo đảm chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh vận hành suôn sẻ.
Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số chính là động lực giúp châu Á chuyển mình trong giai đoạn hậu COVID. Để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu nguy cơ từ nền kinh tế số đang bùng nổ, chúng ta cần tăng cường hợp tác trong: (1) Cải thiện hiệu quả cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển; (2) Xây dựng chính phủ điện tử và hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; (3) Nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người dân; đào tạo kỹ năng mới cho người lao động; (4) Phối hợp xây dựng các khung khổ về bảo đảm an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, quản lý thuế và hệ thống logistics cho hoạt động thương mại điện tử.
Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch. Điều này sẽ giúp định hướng cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế trên nền tảng bền vững hơn, bảo đảm cân bằng sinh thái và giải quyết những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Chúng ta cần thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong xây dựng mô hình tăng trưởng phát thải bằng không, kinh tế tuần hoàn, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; nỗ lực thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; hoàn thành đúng hạn các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc; và đạt được thoả thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.
Thứ năm, tăng cường phối hợp xử lý đại dịch COVID-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 với các nước, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nước trong cuộc chiến này, nhất là trong việc nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận bình đẳng trong phân phối vaccine phòng COVID-19. Trong tình huống khẩn cấp như hiện nay, sản xuất và phân phối vắc-xin không còn là câu chuyện riêng của một quốc gia, một doanh nghiệp, mà là vấn đề nhân đạo với mục tiêu quan trọng nhất là sức khỏe cộng đồng, không nước nào có thể bảo đảm an toàn khi các nước khác vẫn còn dịch bệnh trong điều kiện hội nhập hiện nay. Do đó, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nguồn cung, tiếp cận bình đẳng, kịp thời vắc-xin, đồng thời giảm các rào cản về sở hữu bản quyền, thúc đẩy chuyển giao công nghệ về sản xuất vắc-xin một cách cởi mở, thiết thực, hiệu quả, công bằng. Đồng thời, chúng ta có thể nghiên cứu thành lập hoặc phát huy các cơ chế hợp tác khu vực nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác sau này; như việc thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
Thứ sáu, điều kiện tiên quyết cho phục hồi và phát triển thịnh vượng sau đại dịch là bảo đảm môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang phải tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề cấp bách chưa có tiền lệ, thì trên hết và trước hết các nước cần đóng góp có trách nhiệm đối với vấn đề này; cần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Đối với vấn đề Biển Đông, cần giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương của Liên hợp quốc, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán COC sớm đạt được hiệu quả; duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Việt Nam thực hiện ba đột phá chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam tham gia có trách nhiệm và sẵn sàng cùng các nước vun đắp cho hòa bình, ổn định, phát triển và tình đoàn kết; vì lợi ích chung và sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia và trong khu vực; vì sự ấm no và hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thị trường 100 triệu dân năng động và tiềm năng của Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế, chính sách, hạ tầng, vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, xã hội, môi trường đầu tư và nguồn nhân lực để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng chiến lược. Việt Nam cũng sẽ dành ưu tiên đặc biệt cho các dự án xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp ở các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. “Chúng tôi sẵn sàng cùng các bạn mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, năng lượng, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, công nghiệp môi trường, nông nghiệp chất lượng cao, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, đô thị thông minh, và logistics. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi và cùng đồng hành với các nhà đầu tư nước ngoài để tất cả cùng thắng, đồng thời chia sẻ rủi ro khi có nguyên nhân khách quan”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết.
“Một châu Á vươn lên vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chính là khát vọng chung các quốc gia trong khu vực. Đoàn kết, bình đẳng giữa các quốc gia; quyết tâm của các chính phủ; sự chung tay, đồng lòng của doanh nghiệp và người dân chính là chìa khoá để xây dựng một tương lai tươi đẹp cho châu Á. Với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới, sáng tạo và đi lên từ "bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển" trên toàn châu lục, chúng ta hoàn toàn có thể “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến điều không thể thành có thể”. Châu Á có trong tay cơ hội và sức mạnh để định hình vai trò và vị thế của mình trong giai đoạn mới của thế giới và để có thể nói rằng: Tương lai là châu Á, châu Á cùng hướng đến Tương lai”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Quan điểm về phát triển của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị:
Thứ nhất, phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo đảm phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế phát triển một cách đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập là điều kiện tiên quyết; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế.
Thứ ba, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân để phát triển đất nước. Phát huy tối đa giá trị con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển. Không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thứ tư, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở lảm chủ công nghệ và tích cực hội nhập, nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng của nền kinh tế. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.
Thứ năm, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.