Chiều /4, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và 11 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Bộ này và một số đơn vị liên quan đã khép lại phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi tòa bước vào nghị án.
Cựu Thứ trưởng mong nhận được mức án nhẹ nhất
Là người đầu tiên được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án, bị cáo Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương đã gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, cơ quan bởi sai phạm của bản thân đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
Cựu Thứ trưởng hy vọng sự thành khẩn, ăn năn hối lỗi của mình tại phiên toà sẽ giúp HĐXX nhìn nhận vụ án một cách công tâm và tuyên cho bị cáo mức án nhẹ nhất.
Bị cáo Vượng trình bày, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu với Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều chính sách mới nhằm khai thác và phát triển năng lượng tái tạo có tiềm năng rất lớn của đất nước nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Các quyết định của Chính phủ từ năm 2012 - 2020 đã tạo nhiều cơ chế thông thoáng, ưu đãi cho việc phát triển năng lượng tái tạo và Việt Nam đã có sự phát triển đột phá trong lĩnh vực này.
Việc phát triển năng lượng điện gió, năng lượng tái tạo đã giúp kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển, góp phần nâng cao đời sống, vật chất cho người dân.
Liên quan đến sai phạm của bản thân trong việc tham mưu, đề xuất Khoản 3, điều 5 Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, bị cáo Hoàng Quốc Vượng cho rằng dù nhìn từ góc độ nào thì các sai phạm của bản thân đã gây ảnh hưởng xấu đến Chính phủ.
Do đó, bị cáo gửi lời xin lỗi sâu sắc đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước vì sai phạm của bản thân trong vụ án đã phụ lòng tin, sự tin cậy của Đảng, Nhà nước trong khi làm việc với cương vị là Thứ trưởng Bộ Công Thương.
"Sai phạm của bản thân trong vụ án là bài học vô cùng cay đắng, đau xót, xóa đi tất cả những công lao, đóng góp của bị cáo trong 40 năm công tác, ở nhiều vị trí khác nhau và trong đó có những giai đoạn rất khó khăn. Và những sai phạm này đã hủy hoại danh dự cá nhân, gia đình, dòng họ", cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trình bày.
Khép lại phần nói lời sau cùng của mình, bị cáo Vượng mong muốn HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình và kết thúc phần trình bày trong khoảng 10 phút.
Cũng trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Phương Hoàng Kim - cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, đã nhận thức được sai phạm nên cảm thấy ân hận, hối tiếc.
Bị cáo cho hay, sai phạm của ông đã xóa đi các thành tích, danh tiếng của gia đình, dòng họ. Nỗ lực cố gắng công tác đã bị xóa nhòa bởi vi phạm của bị cáo.
Tại phiên tòa và quá trình xét xử, bị cáo vô cùng ân hận, ăn năn. Nói thêm về việc tự nguyện khắc phục tổng cộng 300 triệu đồng, bị cáo mong HĐXX xem xét đó là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Các bị cáo còn lại cũng đề đạt nguyện vọng được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về xã hội, gia đình.
Do tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài, sẽ tiến hành tuyên án vào sáng ngày (29/4) tới.
Cựu Thứ trưởng nhiều lần nhận rượu, yến sào, tiền
Trước đó, trong phần đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện VKS đã chỉ ra việc có hay không lãnh đạo Công ty Trung Nam - Thuận Nam tác động đến bị cáo Hoàng Quốc Vượng - cựu Thứ trưởng và Phương Hoàng Kim - cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi.
Theo đại diện VKS, trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Nam - Thuận Nam nhiều lần đến gặp ông Hoàng Quốc Vượng để xin cho dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng ưu đãi.
VKS cho rằng bị cáo Hoàng Quốc Vượng có khai nhận, mỗi lần gặp, ông Thịnh và nhân viên đều gửi quà, tổng cộng số tiền 1,5 tỷ đồng. "Trong quá trình đang xây dựng dự thảo Quyết định 13, ông Nguyễn Tâm Thịnh trực tiếp gặp Phương Hoàng Kim xin cho dự án Trung Nam - Thuận Nam được bổ sung, để kịp được hưởng giá ưu đãi", đại diện VKS phân tích.
Ông Thịnh nhiều lần đến gặp Phương Hoàng Kim và trong những lần này, ông đã tặng quà là rượu và yến sào Ninh Thuận. Ngoài ra ông Thịnh còn chỉ đạo Phó Giám đốc tặng cán bộ phụ trách dự án, thúc giục họ sớm hoàn thiện hồ sơ.
Cơ quan tố tụng khẳng định, trong thời gian từ cuối tháng 8/2018 - tháng 4/2020, ông Thịnh và nhân viên nhiều lần đến trụ sở Bộ Công Thương để gặp ông Vượng và ông Kim. Trong đó, ông Vượng thừa nhận việc khi dự thảo Quyết định số 13, bị cáo được ông Thịnh và cấp dưới đến gặp, mong quan tâm đến Công ty Trung Nam - Thuận Nam, để doanh nghiệp được vào diện chính sách ưu đãi.
Ông Nguyễn Tâm Thịnh khai, từ cuối năm 2019 (thời điểm đang dự thảo Quyết định số 13), bản thân ông trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đến gặp một số cá nhân trong đó có ông Vượng để nhờ cựu Thứ trưởng này hỗ trợ cho dự án Trung Nam - Thuận Nam hưởng chính sách ưu đãi.
Sau này khi Quyết định số 13 được ban hành đã mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giá điện, một số dự án phê duyệt sau ngày 31/8/2018 vẫn được hưởng giá điện ưu đãi. Trong đó có dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.
"Trong các lần gặp ông Thịnh có biếu rượu và yến sào cho ông Vượng. Ông Thịnh còn nhiều lần gặp ông Phương Hoàng Kim để thúc giục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ và trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên biếu rượu và yến sào", VKS phân tích.
Tài liệu điều tra thể hiện cấp dưới của ông Thịnh đã hàng chục lần đăng ký vào Bộ Công Thương gặp ông Vượng, Kim và một số cán bộ tại đây. Từ đó ông Vượng đã sửa từ ngữ trong dự thảo Quyết định số 13 và Công ty Trung Nam - Thuận Nam được hưởng ưu đãi.
"Việc luật sư cho rằng, các cá nhân tại Công ty Trung Nam - Thuận Nam không có tác động gì đối với ông Vượng và ông Kim để dự án được hưởng giá ưu đãi là không có căn cứ", VKS kết luận.
Cũng tại phần tranh luận, đại diện VKS đối đáp về việc có luật sư cho rằng UBND tỉnh Ninh Thuận xác định Công ty Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá 9,35 cent/kWh là đúng.
VKS cho hay, về nội dung trên, VKSNDTC cũng nhận được công văn của UBND tỉnh Ninh Thuận, song không có nội dung nào như đề cập của luật sư.
Đại diện VKS nói: "Không biết luật sư lấy nội dung này ở văn bản nào. Song việc UBND tỉnh Ninh Thuận có nội dung như luật sư nêu có phải đã thỏa hiệp với sai phạm của doanh nghiệp hay không. UBND tỉnh Ninh Thuận cần phải tiếp thu thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo việc quản lý tài sản nhà nước, tránh thất thoát lãng phí".