Pháp đình

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc hầu tòa trong vụ buôn lậu đất hiếm

Mạnh Hùng 12/05/2025 11:23

Sáng nay (12/5), TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn cùng 25 bị cáo trong vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm.

cac-bi-cao.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Theo đó, khoảng 8h sáng, các bị cáo được dẫn giải tới tòa.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc tự đến Tòa án, đeo khẩu trang đen và đội mũ sẫm màu. Ông Ngọc được áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh.

HĐXX gồm 3 thành viên, do Thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.

Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử là 5 Kiểm sát viên.

Tại phiên tòa có khoảng hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử về 6 tội danh gồm: “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Gây ô nhiễm môi trường”.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu và quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản.

bc-linh.jpeg
Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đến phiên tòa từ rất sớm

Ở tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, bị cáo Đoàn Văn Huấn đã tổ chức, chỉ đạo hoạt động khai thác quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái) vi phạm quy định pháp luật.

Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép trị giá hơn 864 tỷ đồng, đã tiêu thụ tổng số quặng đất hiếm, quặng sắt có trị giá hơn 736 tỷ đồng.

Nhiều bị cáo là nhân viên, cấp dưới tại Công ty Thái Dương giúp sức cho bị cáo Huấn trong việc khai thác, quản lý, theo dõi sản lượng, chế biến, tiêu thụ quặng, xây dựng báo cáo gian dối gửi cơ quan quản lý Nhà nước.

Ở tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc, bị can Nguyễn Văn Thuấn (cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản) và một số bị cáo khác được giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong việc thẩm định, cấp giấy phép khai thác quặng đất hiếm.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Ngọc, ông Thuấn cố ý làm trái nguyên tắc, điều kiện cấp phép cho Công ty Thái Dương.

Tại Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, các bị cáo Hồ Đức Hợp (cựu Giám đốc), Lê Công Tiến (cựu Phó Giám đốc), Bùi Đoàn Như (cựu Trưởng phòng Khoáng sản) có trách nhiệm chính trong việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Nhóm bị cáo biết Công ty Thái Dương khai thác, chế biến, tiêu thụ trái quy định nhưng không kiến nghị xử lý kịp thời ngăn chặn thiệt hại cho Nhà nước. Ông Như đã tham mưu, ông Tiến duyệt nội dung để ông Hợp ký văn bản gửi UBND tỉnh Yên Bái nhận xét Công ty Thái Dương đã chấp hành các quy định pháp luật mà không kiểm tra, rà soát, phản ánh đúng sai phạm thực tế.

an-ninh-that-chat.jpeg
Lực lượng chức năng kiểm tra an ninh tại phiên tòa

Ở tội Buôn lậu, Công ty Đất hiếm Việt Nam do bị cáo Lưu Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT đã mua đất hiếm hàm lượng TREO 18-20% khai thác trái phép từ Công ty Thái Dương.

Để che giấu nguồn gốc quặng, ông Tuấn chỉ đạo nhân viên sử dụng hồ sơ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để hợp thức việc xuất khẩu trái quy định.

Tổng cộng, Công ty Đất hiếm Việt Nam đã xuất khẩu trái quy định hơn 473.000 kg tổng oxit đất hiếm có trị giá hơn 379 tỉ đồng.

Tại Hải Phòng, bị cáo Lưu Đức Hoa chỉ đạo tổ chức xuất khẩu trái phép hơn 200.000 kg quặng đất hiếm được chế biến, ngụy trang thành hỗn hợp chất Oxalate để qua mặt cơ quan chức năng.

Bị cáo Lưu Vũ bị truy tố tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bị cáo biết rõ Công ty Thái Dương chưa được phép tiêu thụ quặng, việc mua bán không đúng với nội dung giấy phép được cấp nhưng vẫn thỏa thuận mua hơn 1,9 triệu kg đất hiếm với số tiền hơn 70 tỉ đồng.

Ở hành vi vi phạm kế toán, quá trình tiêu thụ quặng, Đoàn Văn Huấn chỉ đạo cấp dưới khai man giá mua bán, thấp hơn giá trị thật, để che giấu doanh thu. Nhóm bị cáo ở các công ty Đất hiếm Việt Nam, Hợp Thành Phát giúp ông Huấn che giấu doanh thu, xuất hóa đơn, hạch toán kế toán với giá thấp hơn giá thực tế.

toan-canh-phien-toa-moi.jpeg
Toàn cảnh phiên tòa

Ở hành vi Gây ô nhiễm môi trường, khi tổ chức khai thác quặng, Đoàn Văn Huấn chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Lai (điều hành hệ thống xưởng nghiền, tuyển quặng) bơm, xả hơn 348 nghìn tấn bùn thải ra khu vực hồ chứa chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bị cáo Huấn còn chỉ đạo bị cáo Lê Văn Cẩn (quản đốc xưởng thủy luyện) đổ hơn 2.425 tấn thải thạch cao lẫn bùn thải tại các khu vực, vị trí không được phép đổ thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc hầu ta trong vụ bun lậu đất hiếm