Giáo dục

Đảm bảo liền mạch kỳ thi sau hợp nhất Quảng Nam – Đà Nẵng

Trang Trần 04/07/2025 - 18:12

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Đà Nẵng - Quảng Nam nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức thi, đảm bảo các khâu làm phách, chấm thi, tổng hợp kết quả diễn ra liên tục, nghiêm túc, đúng quy định.

Dù diễn ra trong thời điểm đặc biệt, ngay trước thời khắc công bố sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vẫn được tổ chức nghiêm túc, an toàn và liên tục. Sau mốc sáp nhập, kỳ thi càng cho thấy nỗ lực cao độ của ngành giáo dục hai địa phương trong việc duy trì sự ổn định, đảm bảo không có bất kỳ khoảng trống nào trong chỉ đạo, điều hành.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Hội đồng thi địa phương tổ chức. Trước thời điểm 1/7, cả Quảng Nam và Đà Nẵng đều có Hội đồng thi riêng. Tuy nhiên, khi quyết định sáp nhập có hiệu lực, hai đơn vị nhanh chóng phối hợp triển khai các phần việc tiếp theo theo nguyên tắc: một Hội đồng thi với nhiều Ban Thư ký, Ban Làm phách, Ban Chấm thi độc lập tương ứng với số lượng đã được thiết lập trước đó. Điều này giúp bảo đảm tính kế thừa, không gây xáo trộn và duy trì sự công bằng trong toàn bộ quy trình.

4-7-thi9.jpg
Đảm bảo liền mạch kỳ thi sau hợp nhất Quảng Nam – Đà Nẵng.

Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam rà soát toàn bộ quy trình tổ chức, nhất là các khâu hậu kỳ thi như làm phách, chấm thi, tổng hợp kết quả… Quy trình được triển khai chặt chẽ theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ đạo tại chỗ, nhân sự tại chỗ, thiết bị tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Tất cả khâu trọng yếu đều được giữ nguyên lực lượng đã được chuẩn bị trước khi sáp nhập nhằm bảo đảm sự liền mạch.

Đáng chú ý, sau ngày 1/7, toàn bộ bốn lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đều không còn tiếp tục tham gia vào các khâu của kỳ thi, đúng quy định và phù hợp với nguyên tắc đảm bảo tính khách quan. Trong đó, Giám đốc Sở nghỉ hưu theo lộ trình, một Phó Giám đốc nghỉ hưu từ 1/5, một người có con dự thi và người còn lại được điều động công tác.

Trên cơ sở đó, TP. Đà Nẵng đã nhanh chóng hợp nhất bộ máy điều hành kỳ thi. Ban Chỉ đạo, Hội đồng thi và các ban chuyên môn được kiện toàn đầy đủ. Ông Nguyễn Hoài Nam – nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, nay là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng sau sáp nhập cho biết: “Việc kiện toàn giúp đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành kỳ thi diễn ra liên tục, không có bất kỳ khoảng trống nào”.

Trước đó, cả hai địa phương đã xây dựng lực lượng chấm thi bài bản. Quảng Nam huy động 575 cán bộ tham gia kỳ thi, trong đó có 220 người chấm thi tự luận theo chương trình GDPT 2006 và 2 người chấm thi theo chương trình GDPT 2018. Đà Nẵng có cán bộ chấm thi tự luận chương trình cũ và 145 cán bộ chấm chương trình mới. Ban chấm thi trắc nghiệm cũng được bố trí riêng với 30 người.

Tại điểm chấm thi số 4 Lê Lợi (Đà Nẵng), công tác an ninh được tổ chức nghiêm ngặt. Hai thùng thiếc được đặt ở cửa khu chấm để cán bộ gửi điện thoại và vật dụng cá nhân. Các thiết bị phòng cháy chữa cháy được bố trí đầy đủ, bảng niêm yết quy định về vật dụng cấm mang theo được phổ biến công khai.

Ban Chấm thi tự luận có 4 tổ chấm và 1 tổ chấm kiểm tra, hoạt động theo cơ chế độc lập, mỗi tổ chấm được chia thành hai phòng A và B, cán bộ chấm độc lập trên cùng danh sách phân đôi, thống nhất điểm theo quy định. Tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm ngẫu nhiên, đảm bảo khách quan.

4-7-thi10.jpg
Giữ vững quy trình kỳ thi sau khi sáp nhập địa giới hành chính.

Khu vực chấm thi ở Quảng Nam cũng được siết chặt quy trình an ninh. Có 14 phòng chấm thi tự luận, mỗi phòng được gắn hai camera giám sát hoạt động / giờ, kết nối hữu tuyến, lưu trữ dữ liệu tối thiểu 21 ngày. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy đạt chuẩn, lực lượng công an túc trực quanh khu vực suốt ngày đêm.

Phòng chứa bài thi, tủ đựng túi bài thi được bố trí an toàn, trang bị hệ thống chống cháy nổ và thiết bị dự phòng nguồn điện. Các phòng làm việc của Ban Thư ký, thanh tra thi, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đều được lắp đặt camera riêng biệt và sắp xếp hợp lý về không gian.

Đặc biệt, khu vực chấm trắc nghiệm cũng được đầu tư kỹ lưỡng về hạ tầng. Hệ thống máy quét, máy chủ, mạng LAN nội bộ được kiểm tra nhiều vòng trước khi vận hành. Quy trình làm phách và tổ chức tập huấn cán bộ chấm thi được triển khai đồng bộ, bài bản.

Dù nằm giữa giai đoạn chuyển tiếp hành chính lớn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Đà Nẵng và Quảng Nam sau sáp nhập vẫn giữ vững kỷ cương và chất lượng. Việc không để xảy ra gián đoạn, rủi ro hay bất thường nào là minh chứng cho sự chủ động và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ ngành giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo liền mạch kỳ thi sau hợp nhất Quảng Nam – Đ Nẵng