Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập nội dung trên trong buổi tiếp Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lo, Ph Chủ tịch Quốc hội Lo Khambay Damlath.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khambay Damlath
Sáng 28/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khambay Damlath.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Phó Chủ tịch Quốc hội Khambay Damlath và Đoàn đại biểu Quốc hội Lào sang thăm, làm việc tại Việt Nam; chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng, Nhà nước Lào nói chung, Quốc hội Lào nói riêng đã đạt được.
Nhấn mạnh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào đã có những phản ứng linh hoạt, thông qua những quyết sách hết sức quan trọng, sửa đổi, bổ sung các đạo luật để tháo gỡ khó khăn của tình hình thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, đất nước Lào sẽ sớm vượt qua mọi thách thức, triển khai thành công Chương trình quốc gia về giải quyết khó khăn kinh tế-tài chính, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ IX, xây dựng thành công đất nước Lào ngày càng phồn vinh và có vai trò, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khambay Damlath trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian cho cuộc tiếp; đồng thời cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Đoàn đã hội đàm với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ban Công tác đại biểu, đi thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hà Nội để trao đổi kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Cho biết Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh của Lào mới được thành lập lại, tổ chức, hoạt động còn một số mặt khó khăn, hạn chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào nhấn mạnh, qua các cuộc làm việc với các cơ quan, địa phương của Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội Lào đã thu nhận được rất nhiều kinh nghiệm quý về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; quản lý, cơ chế, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu, phê chuẩn...
Chia sẻ thêm về hoạt động của Quốc hội Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Khambay Damlath cho biết trong năm 2023, Quốc hội Lào sẽ nghiên cứu sửa đổi một số đạo luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...
Lào sẽ tổ chức hội thảo về mô hình Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội: Đảng đoàn Quốc hội đang triển khai các hoạt động rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả làm việc của Đoàn trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Liên quan đến chủ đề Đoàn quan tâm về tổ chức, hoạt động của chính quyền Trung ương và địa phương, về cơ quan dân cử địa phương và kiểm soát quyền lực, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết rất quan trọng về nội dung này - Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội Việt Nam đã ban hành kế hoạch rất chi tiết để thực hiện Nghị quyết, xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó có Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Đảng đoàn Quốc hội đang triển khai các hoạt động rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm ngay trong quá trình xây dựng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi với Đoàn một số mô hình cụ thể về tổ chức chính quyền địa phương đang được áp dụng thí điểm tại Việt Nam.
Cùng với mô hình chung đã được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Việt Nam chủ trương áp dụng thí điểm một số mô hình khác để qua kiểm nghiệm của thực tiễn cho thấy mô hình nào ổn định, hiệu quả nhất sẽ nghiên cứu để quy định chính thức trong luật nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển.
Về hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt chú trọng việc thực hiện nhiệm vụ này, đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác Hội đồng Nhân dân, ban hành các Nghị quyết để hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân, nhất là trong hoạt động giám sát.
Về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tại Kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành công tác này.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ để đánh giá cán bộ mà còn làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xây dựng, ban hành Nghị quyết hướng dẫn Hội đồng Nhân dân triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Hội đồng Nhân dân bầu, phê chuẩn.
Quốc hội Việt Nam đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ ứng cử đại biểu Quốc hội các khóa tới bởi đại biểu Quốc hội là trung tâm hoạt động của Quốc hội, chất lượng đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Quốc hội Lào, đồng thời mong muốn trao đổi, học tập những kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả của Lào để hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân ngày càng hiệu quả hơn.