Văn hóa- Thể thao

Đánh thức di sản làng nghề trong thời hội nhập

Phương Trang 10/05/2025 - 12:42

Từ bao đời nay, làng nghề truyền thống đã trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam. Mỗi tấm lụa, mỗi nét chạm khắc, mỗi sản phẩm thủ công không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn lưu giữ linh hồn dân tộc. Thế nhưng, trong cơn lốc của hội nhập và công nghệ, làng nghề Việt đang đứng trước một ngã rẽ lớn. Làm sao để gìn giữ giá trị truyền thống mà vẫn tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn cầu?

Những đôi bàn tay giữ lửa

Vào một buổi sáng trong trẻo đầu xuân, tôi tìm về Quảng Phú Cầu - một làng nghề làm hương trầm có tuổi đời hàng trăm năm ở huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội. Không gian làng nghề hiện ra như một bức tranh đầy sắc đỏ. Những bó tăm hương nhuộm màu rực rỡ xòe đều trên sân gạch, trên nóc mái, bên những lối đi quanh co tựa như hàng ngàn đóa hoa nở rộ trong nắng. Đó là vẻ đẹp thị giác khiến bao người thán phục, nhưng ẩn sau đó là câu chuyện của biết bao đời người âm thầm giữ nghề - giữ hồn làng.

316-202505101231202.jpg
Sắc màu rực rỡ, lạ mắt của những bó tăm hương Quảng Phú Cầu khi chụp cận cảnh. Ảnh: Phương Trang

Giữa sân, chị Nguyễn Thị Hòa đang se từng que hương trên đôi tay đã nhuốm màu bột trầm. Là con gái lớn lên trong gia đình ba đời làm hương, chị Hòa hiểu từng công đoạn làm ra một nén hương không đơn giản là trộn bột - se que - phơi khô. Đó là cả một quá trình lặng lẽ, lặp đi lặp lại với một sự kiên nhẫn gần như vô hạn.

“Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện bỏ nghề, vì thu nhập bấp bênh, công việc lại vất vả. Nhưng khi đứng trước bàn thờ tổ tiên mỗi dịp lễ Tết, tôi lại nhận ra: Không thể để nghề này biến mất”, chị chia sẻ.

Từ chỗ sản xuất hương theo phương thức truyền thống, gia đình chị Hòa đã mạnh dạn chuyển hướng sang làm hương sạch, không hóa chất, sử dụng nguyên liệu thảo mộc như trầm, quế, bạch đàn, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại, đặc biệt là người tiêu dùng đô thị và khách hàng quốc tế.

“Muốn tồn tại trong thời kỳ hội nhập, người làm nghề buộc phải thay đổi tư duy. Không thể chỉ dựa vào truyền thống mà cần sáng tạo trên nền tảng truyền thống ấy. Chúng tôi không thể cạnh tranh bằng giá rẻ, mà phải bằng câu chuyện, bằng giá trị văn hóa Việt Nam nằm trong từng nén hương”, chị Hòa khẳng định.

Trong bối cảnh nhiều làng nghề đang bị thu hẹp vì thiếu đầu ra hoặc lao động trẻ rời bỏ, những hộ gia đình như nhà chị Hòa đang cho thấy một cách làm mới: Giữ gìn bản sắc không phải bằng sự bảo thủ, mà bằng sự thích ứng linh hoạt, chủ động.

Từ Quảng Phú Cầu, tôi tìm đến Vạn Phúc - làng lụa nức tiếng của Hà Đông. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm (Chủ cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão- Làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), người đã dành cả đời gắn bó với từng sợi tơ, trầm tư nhìn những thớ lụa óng ả trên khung cửi chia sẻ: "Ngày trước, người ta yêu lụa Việt vì sự mềm mại, vì màu sắc tự nhiên từ nhuộm thủ công. Nhưng giờ đây, khi vải công nghiệp rẻ hơn, bền hơn, chúng tôi buộc phải tìm cách đổi mới. Nếu không có sự sáng tạo, lụa truyền thống sẽ bị lấn át."

316-202505101231203.jpg
Nghệ nhân đang chăm chút từng thớ lụa trên khung cửi. Ảnh: NVCC

Những người thợ lành nghề ở Vạn Phúc giờ đây không chỉ dệt lụa theo lối cũ, mà kết hợp với các nhà thiết kế thời trang để tạo ra những bộ sưu tập mang hơi thở đương đại. Những sản phẩm mới như khăn lụa in họa tiết trừu tượng, áo dài cách tân từ lụa tơ tằm đã giúp lụa Vạn Phúc tìm được chỗ đứng trên thị trường.

“Giữ nghề không có nghĩa là giữ nguyên mọi thứ như xưa, mà là làm sao để những giá trị cốt lõi vẫn tồn tại giữa dòng chảy của thời đại.”

Muốn vươn xa, phải thay đổi

Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có hơn 5.400 làng nghề, nhưng không ít trong số đó đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhân lực trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống, sản phẩm làng nghề phải cạnh tranh với hàng công nghiệp giá rẻ, trong khi thị trường xuất khẩu lại đặt ra những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.

Là người gắn bó nhiều năm với công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, anh Ngô Quý Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Phát triển sản phẩm làng nghề Việt cho rằng, tiềm năng của các làng nghề là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả thì không dễ. Theo anh, trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế và thị hiếu tiêu dùng khiến các sản phẩm thủ công truyền thống ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường.

“Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng các làng nghề truyền thống vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Bởi lẽ, sản phẩm công nghiệp giá rẻ, tiện lợi đang lấn át hàng thủ công; trong khi đó, nghệ nhân làng nghề tuy tay nghề rất cao nhưng phần lớn vẫn làm theo mẫu cũ, chưa thích ứng kịp với nhu cầu thẩm mỹ hiện đại”, anh Đức chia sẻ.

Thực tế cho thấy, không ít làng nghề vẫn đang lặng lẽ duy trì nghề cha ông bằng sự tận tụy của vài ba người thợ cao tuổi. Lớp trẻ - với nhiều cơ hội nghề nghiệp mới ngày càng ít mặn mà nối nghiệp.

316-202505101231204.jpg
Anh Ngô Quý Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Phát triển sản phẩm làng nghề Việt. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo chuyên gia, khó khăn hiện nay không đồng nghĩa với bế tắc. Ngược lại, đó chính là thời điểm cần một tư duy mới để nghề cũ có thể bước vào thời đại mới.

“Phải có các chương trình liên kết giữa nghệ nhân và nhà thiết kế trẻ. Phải đưa nghề thủ công vào nhà trường, tạo ra các cơ hội cho thế hệ kế cận. Phải để người trẻ nhìn thấy nghề truyền thống không chỉ là quá khứ để lưu giữ, mà là cơ hội để khẳng định cá tính sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế bền vững”, anh Đức nhấn mạnh.

316-2025051012312.jpg
Cần phải có những chính sách thu hút những người trẻ với làng nghề truyền thống. Ảnh: NVCC

Một yếu tố khác không thể thiếu là chính sách phát triển nghề truyền thống cần thực chất và đủ tầm. Theo anh Đức, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, đào tạo, xúc tiến thương mại, quy hoạch phát triển làng nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả vùng. “Phải xem làng nghề là một phần của ngành công nghiệp văn hóa. Có như vậy, các chính sách mới thực sự tạo ra động lực phát triển bền vững chứ không chỉ dừng ở việc bảo tồn hình thức.”

Thực tế, đã có những làng nghề tìm được hướng đi nhờ sự linh hoạt và sáng tạo. Làng mây tre đan Phú Vinh đã tận dụng thương mại điện tử để bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài; gốm Bát Tràng phát triển mô hình du lịch trải nghiệm; tranh Đông Hồ kết hợp với mỹ thuật hiện đại để tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong đời sống.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện sản xuất, làng nghề Việt Nam cần một chiến lược dài hơi để phát triển bền vững. Đăng ký bảo hộ thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, mở rộng kênh phân phối, đẩy mạnh du lịch trải nghiệm - đó là những giải pháp đã được nhắc đến nhiều nhưng vẫn chưa được thực hiện đồng bộ.

Giữa nhịp sống hối hả, giữa những công trình bê tông ngày càng mọc lên san sát, vẫn có những người thợ lặng lẽ ngồi bên bàn xoay, bên khung cửi, tiếp nối công việc mà cha ông họ đã làm từ hàng trăm năm trước. Họ không chỉ tạo ra sản phẩm, mà còn giữ lại một phần linh hồn của dân tộc.

Làng nghề Việt Nam - không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà là một phần không thể thiếu của tương lai. Và chính những người thợ vẫn đang ngày đêm bền bỉ làm nghề, là những người giữ lửa cho bản sắc dân tộc giữa dòng chảy hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức di sản lng nghề trong thời hội nhập