Việt Nam đang được nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới quan tâm, trong đó ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Riêng tỉnh Đồng Nai, với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào và hạ tầng giao thông hiện đại, được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trong khu vực.
Trong thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tại tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, vào tháng 10/2023, Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) đã đề xuất triển khai các dự án trong lĩnh vực quang học, bán dẫn tại Đồng Nai. Tháng 4/20, 2 dự án của tập đoàn này tại các khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch đã được Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dự án còn lại về lĩnh vực quang học tiên tiến, đo lường và sản xuất linh kiện bán dẫn của tập đoàn này đang được lên kế hoạch. Tổng vốn đăng ký đầu tư ban đầu của 3 dự án là 750 triệu USD.
Ngoài ra, một số tập đoàn khác như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong đó Đồng Nai được xem là một địa điểm tiềm năng.
Nhận thức được tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, Đồng Nai đang tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng và nguồn nhân lực.
Cụ thể, Đồng Nai đã xây dựng các khu công nghiệp hiện đại, có đầy đủ điều kiện để thu hút các dự án đầu tư lớn. Tỉnh cũng đang triển khai nhiều dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông quan trọng, như cao tốc TP. HCM- Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu...
Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác không chỉ là nơi trung chuyển hàng không quốc tế, mà còn giúp phát triển các lĩnh vực thế mạnh về logistics, thương mại công nghiệp. Đồng thời, là nơi trung chuyển, kết nối về dữ liệu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao.
Về nguồn nhân lực, Đồng Nai đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Tỉnh đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo các ngành kỹ thuật liên quan đến bán dẫn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tham gia đào tạo tay nghề cho người lao động.
Cụ thể, tại Trường đại học Lạc Hồng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp cho sinh viên tham quan, thực tập, thực hiện các đề tài nghiên cứu. Trong đó, trường có ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam về hỗ trợ đào tạo, tài trợ thiết bị liên quan đến điện tử, sản xuất chip bán dẫn, giúp sinh viên làm quen với quy trình sản xuất linh kiện bán dẫn chuyên nghiệp.
Đồng thời, liên kết với hơn 10 trường của Đài Loan nhằm trao đổi sinh viên, giảng viên nâng cao trình độ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Mở thêm chuyên ngành công nghệ kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn có sự hỗ trợ tư vấn của Trường đại học bang Arizona (Hoa Kỳ), bắt đầu tuyển sinh ngay trong năm 20.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, đối với Đồng Nai, dư địa cho thu hút ngành nghề công nghiệp truyền thống từ các đối tác nước ngoài sẽ không còn. Sản phẩm công nghệ xuất khẩu từ Đồng Nai hướng đến trong tương lai phải đi bằng đường hàng không. Yêu cầu hiện nay của tỉnh đối với các dự án đầu tư là phải có công nghệ cao, giá trị lớn, chiếm dụng ít tư liệu sản xuất nên việc chọn lọc đầu tư là vấn đề thường xuyên, cấp thiết.
Việc thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn là một cơ hội vàng để Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội. Với những nỗ lực của chính quyền địa phương và sự tham gia của các doanh nghiệp, Đồng Nai có thể trở thành một trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trong khu vực.