Để các doanh nghiệp bất động sản không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung, đưa ra giá bán cao một cách bất thường, Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị, Chính phủ thực hiện ngay quy định Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28/10, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 20 đến hết năm 2023”.
Có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá bất động sản
Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, thực tế thị trường bất động sản tăng giá cao, đột ngột, bên cạnh vướng về thể chế, chính sách, "có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng bất động sản của một nhóm lợi ích".
Đại biểu đề nghị "đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra được giải pháp cụ thể, căn cơ".
"Dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, nhưng chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật, nhưng vẫn còn yếu tố bất thường, tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân"- Đại biểu Hạ phân tích.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, một trong những giải pháp giảm giá thị trường bất động sản đó là trái phiếu bất động sản. Hiện nay, trái phiếu bất động sản phát hành ra với mức lãi suất 12-%, cộng với khoảng 3% phí phát hành. Như vậy, mục tiêu của phát hành trái phiếu bất động sản, dư nợ lĩnh vực này đến thời kỳ đáo hạn có áp lực rất lớn. "Nếu chúng ta không kiểm soát chặt để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, thì việc phát hành trái phiếu không hiệu quả. Hơn nữa, thời gian khoảng 3 năm, mà phải trả lãi suất cao như vậy dễ tạo ra gánh nặng cho nhà nước và Nhân dân, nguy cơ dẫn đến nợ xấu gia tăng và thậm chí là vỡ nợ".
Vì vậy, thời gian tới thị trường bất động sản chưa thể hạ nhiệt và người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và đúng hướng.
Đề xuất kê khai và kiểm tra giá nhà ở
Trước tình trạng bỏ giá cao khi đấu giá, Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội , đề nghị quy định, người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất, và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
Để các doanh nghiệp bất động sản không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung, đưa ra giá bán cao một cách bất thường, ông Cường đề nghị cần đưa vào nghị quyết đề nghị Chính phủ thực hiện ngay quy định Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường.
Đồng thời, Chính phủ cần đưa hàng hóa bất động sản của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp, thuộc đối tượng phải kê khai giá.
"Có kê khai và kiểm tra giá, Chính phủ mới nắm bắt được kịp thời nguồn gốc biến động giá để có các giải pháp điều chỉnh hữu hiệu"- Đại biểu Cường nêu.
Tạo môi trường bình đẳng, ổn định cho thị trường bất động sản
Theo Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, trách nhiệm của nhà nước là tạo ra sân chơi và môi trường bình đẳng cho thị trường bất động sản.
Theo đại biểu, nếu nhìn nhận giá đất theo biến động thị trường, không hẳn giá đất cao là không tốt, giá đất thấp là tốt, mà còn tùy vào mức độ cao thấp với từng phân khúc để phân tích, có phản ứng chính sách phù hợp giúp tăng thu ngân sách, đầu tư một cách tập trung và hợp lý.
Đại biểu nêu quan điểm, cần quan tâm và có chính sách tập trung vào phân khúc đất, nhà ở từ 2,5 tỷ trở xuống, tránh đầu tư dàn trải.
Cùng với đó, cần đảm bảo công khai, minh bạch trong thị trường, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch bất động sản. Về mặt thuế, cần thiết lập thuế đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản, "giờ đây là thời điểm chín muồi để áp dụng loại thuế này".
Về việc nguồn cung thấp, giá thành cao, đại biểu cho rằng cần phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân từ việc ách tắc liên quan đến thủ tục pháp lý, đồng thời bày tỏ hy vọng các luật có liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cùng các văn bản pháp quy liên quan sẽ góp phần cải thiện tình trạng này.