Tại Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở luật hiện hành, trong đó bao gồm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự do Bộ Công an soạn thảo.
Theo dự kiến, dự án này sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2025.
Đề xuất sửa đổi lần này mang tính đột phá khi Bộ Công an kiến nghị loại bỏ hình phạt tử hình đối với 8 trên tổng số 18 tội danh hiện hành, thay vào đó là án tù chung thân không xét giảm.
Cụ thể, trong dự án sửa đổi lần này, Bộ Công an đề xuất bỏ án tử hình đối với 5 tội danh gồm:
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109).
Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước (Điều 114).
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194).
Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250).
Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Ngoài ra, 3 tội danh khác cũng được đề xuất thay thế hình phạt tử hình bằng án chung thân không xét giảm, gồm: Tội gián điệp (Điều 110); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354).
Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, số lượng tội danh có khung hình phạt tử hình sẽ giảm từ 18 xuống còn 10, tương đương mức giảm 44,44%.
Theo đánh giá của Bộ Công an, việc duy trì hình phạt tử hình đối với một số tội danh trong thực tiễn đang bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, một số tội có phạm vi hình phạt quá rộng, gây khó khăn trong việc xét xử và tuyên án. Chẳng hạn, các tội liên quan đến ma túy như sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (Điều 8, 250, 251) đều có khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân đến tử hình khi số lượng ma túy vi phạm vượt 100 gram heroin, cocaine, methamphetamine. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp vi phạm không đến mức đặc biệt nghiêm trọng để phải áp dụng mức án cao nhất.
Bên cạnh đó, thực tế xét xử trong thời gian qua cũng cho thấy nhiều tội danh dù có khung hình phạt tử hình nhưng rất hiếm khi bị áp dụng, chẳng hạn như tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước, hay tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Đối với các tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, dù vẫn còn những vụ án nghiêm trọng nhưng xu hướng chung là áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản và phạt tù dài hạn thay vì tử hình.
Bộ Công an nhấn mạnh, đề xuất giảm hình phạt tử hình phù hợp với định hướng nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp cận với xu hướng chung của thế giới trong việc giảm thiểu án tử.
Điều này cũng phù hợp với quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự 20 (sửa đổi 2017), trong đó xác định tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng với các tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng con người, tội phạm về ma túy, tham nhũng nghiêm trọng và một số tội đặc biệt nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, luật cũng quy định rõ những trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, bao gồm: Người dưới 18 tuổi khi phạm tội; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ 75 tuổi trở lên.
Cũng theo quy định hiện hành, những người bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ có thể được miễn thi hành án nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tài sản đã chiếm đoạt và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra.
Việc giảm dần áp dụng án tử hình được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng hệ thống tư pháp hình sự nhân văn hơn, tập trung vào việc cải tạo và giáo dục thay vì chỉ trừng phạt nghiêm khắc. Đồng thời, việc thay đổi này cũng phản ánh thực tiễn xét xử và phù hợp với những cải cách tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm mà vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.