Vấn đề quan tâm

Nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo qua mạng

Thanh Phương 22/05/2025 - 17:26

Trong thời đại số hóa hiện nay, lừa đảo qua mạng xã hội đã trở thành một vấn nạn đáng lo ngại, bất chấp những cảnh báo từ các cơ quan chức năng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng ngừa và tuyên truyền, nhưng với những chiêu trò ngày càng tinh vi, không ít người vẫn dễ dàng “sập bẫy”.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận và điều tra hơn 70 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham của nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi.

Chị Nguyễn Thị Hồng, trú tại Phường Đông Sơn (TP. Thanh Hóa) thường xuyên đặt mua hàng qua mạng. Thời gian gần đây, có một số điện thoại lạ báo chị đã kích nhầm vào đăng ký thành viên bán hàng online mỗi tháng tài khoản sẽ bị trừ 3 triệu đồng. Nếu không muốn bị mất tiền, chị phải tải phần mềm và hủy thành viên.

doituong.jpg
Nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng bị Công an Thanh Hóa bắt giữ.

Thấy người đầu dây bên kia nói rất thành thật, hướng dẫn tận tình nên chị tải một phần mềm theo hướng dẫn về, thực hiện các thao tác để hoàn tất hủy thành viên. Tưởng đã xong xuôi, chị không để ý đến phần mềm này.

Vào hôm khác, khi chị đang chuyển tiền cho khách hàng qua điện thoại thì bị người lạ chiếm dụng quyền truy cập. Toàn bộ số tiền hơn 21 triệu đồng của chị trong tài khoản "không cánh mà bay". Biết mình bị lừa, chị Hồng xóa phần mềm lạ nhưng đã quá muộn.

nhantin.jpg
Người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua mạng.

Trong số những thủ đoạn phổ biến, có thể kể đến việc lập tài khoản giả mạo người thân để lừa đảo, giả dạng shipper để chiếm đoạt tiền, hoặc thậm chí giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát và nhân viên ngân hàng. Một số đối tượng còn thực hiện các cuộc gọi “nháy máy” từ các đầu số 022, 0, 028, với mục đích xác thực thông tin cá nhân của nạn nhân.

Bà Lê Thị Nhung (trú tại Thiệu Lý, Thiệu Hóa) thấy có cuộc gọi nhỡ nên gọi lại cho đầu dây bên kia. Chỉ một lát sau, tài khoản điện thoại của bà đã trừ đi toàn bộ số tiền gần 300 nghìn đồng mà con trai vừa nạp hôm trước. Khi nói chuyện này cho các thành viên trong gia đình, bà Nhung mới biết đó là bọn lừa đảo.

Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo trực tuyến không ngừng cải tiến phương thức hoạt động của mình bằng cách ứng dụng công nghệ cao như AI và deepfake. Họ có thể tạo ra những video và hình ảnh giả mạo để đe dọa, khống chế tinh thần nạn nhân, từ đó tống tiền một cách tinh vi. Những người có uy tín, địa vị xã hội và tiềm lực tài chính thường là mục tiêu chính của các chiêu trò này.

Không chỉ dừng lại ở đó, các hình thức lừa đảo mới còn xuất hiện như tổ chức đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi hay lừa đảo qua các trò chơi trực tuyến.

Điển hình, vào ngày 10/4/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt xóa một nhóm lừa đảo hoạt động dưới hình thức chơi game tài xỉu, do Bùi Anh Trung cầm đầu. Nhóm này đã sử dụng phần mềm giả mạo và các tài khoản mạng xã hội để dụ dỗ người chơi tham gia, hứa hẹn lợi nhuận cao nhưng thực chất chỉ là chiêu trò để chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh rằng, tội phạm trên không gian mạng luôn có sự biến đổi, do đó công tác phòng ngừa và tuyên truyền phải được chú trọng hơn bao giờ hết. Công an tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh mẽ, thông tin kịp thời đến người dân về các thủ đoạn lừa đảo.

Trong bối cảnh này, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện các chiêu trò lừa đảo, không để lòng tin và sự sơ hở trở thành cơ hội cho kẻ xấu. Luôn luôn cảnh giác trước những mối nguy hại từ tội phạm công nghệ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thủ đoạn tinh vi của các đ́i tượng lừa đảo qua mạng