Dự án cải thiện an toàn giao thông đường sắt sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư các công trình giao cắt khác mức giữa đường sắt và tuyến quốc lộ thông qua cầu vượt.
Theo đó, Ban Quản lý dự án 2 đề xuất dự án sẽ đầu tư các công trình giao cắt khác mức cho 21 vị trí giao cắt giữa 4 tuyến đường sắt (bao gồm các tuyến Hà Nội-TPHCM, Hà Nội-Hải Phòng, Yên Viên-Lào Cai và Hà Nội-Đồng Đăng) với các quốc lộ nằm trên địa phận 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam.
Cụ thể, đối với tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM dự kiến triển khai tại 13 vị trí giao cắt (loại giao cắt là đường bộ vượt đường sắt), nằm trên địa phận 8 tỉnh/thành phố bao gồm: TP Hà Nội có 1 vị trí, Thanh Hóa có 2 vị trí, Hà Tĩnh có 3 vị trí, Quảng Bình có 2 vị trí, Phú Yên có 1 vị trí, Khánh Hòa có 1 vị trí, Bình Thuận có 1 vị trí và Đồng Nai có 2 vị trí.
Đối với tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng dự kiến triển khai tại 2 vị trí giao cắt (loại giao cắt là đường bộ vượt đường sắt), trong đó Bắc Giang có 1 vị trí và Lạng Sơn có 1 vị trí.
Tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai dự kiến triển khai 5 vị trí giao cắt (loại giao cắt là đường bộ vượt đường sắt), trong đó Phú Thọ có 3 vị trí và Lào Cai có 2 vị trí.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng có 1 vị trí giao cắt (loại giao cắt là đường bộ vượt đường sắt), nằm trên địa bàn TP Hải Phòng. Vị trí này nằm trên tuyến nhánh đấu nối với đường sắt Hà Nội – Hải Phòng từ ga Vật Cách vào cảng Vật Cách.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án cải thiện an toàn giao thông đường sắt là khoảng 8.148,59 tỷ đồng (tương đương khoảng 320,04 triệu USD), trong đó hai khoản chi lớn nhất là chi phí xây dựng 4.575 tỷ đồng và dự phòng 1.786 tỷ đồng. Dự án được đề xuất sử dụng vốn vay ODA từ WB trị giá khoảng 5.716,54 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,52 triệu USD) để sử dụng.
Dự án nhằm nâng cao an toàn chạy tàu, cắt giảm chi phí duy tu và vận hành hàng năm của các đường ngang hiện tại, xóa bỏ ùn tắc đường bộ khi có tàu thông qua và giảm nguy cơ tai nạn giao thông.