Điện Kremlin ngy 4/5 đã bác tin tuyên chiến với Ukraine trong Ngy Chiến thắng 9/5, đồng thời phủ nhận cáo buộc từ phía Ukraine rằng quân đội Nga triển khai đợt tấn cng lớn nhằm vo nh máy thép Azovstal ở Mariupol.
Không có khả năng Nga chính thức tuyên chiến với Ukraine vào ngày 9/5
Trước đó, một số phương tiện truyền thông phương Tây, trong đó có kênh truyền hình CNN, đưa tin chính quyền Nga chuẩn bị “tuyên chiến chính thức” với Ukraine trong thời gian tới nhằm tiến hành “tổng động viên” ở nước này và gia tăng tốc độ của chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine. Các chuyên gia cho rằng, điều này có thể xảy ra sớm nhất là vào ngày 9/5 - Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của Nga.
Liên quan đến thông tin trên, ngày 4/5, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin cho rằng, chính quyền Moscow dự kiến công bố lệnh tổng động viên vào ngày 9/5. Ông Peskov khẳng định: không có khả năng Nga chính thức tuyên chiến với Ukraine vào ngày 9/5. “Điều này không đúng, điều này là vô nghĩa… không nên nghe những thông tin như vậy”, ông nói.
Cùng ngày, Điện Kremlin đã phủ nhận cáo buộc từ phía Ukraine rằng, quân đội Nga triển khai đợt tấn công lớn nhằm vào nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.
Phát biểu với các phóng viên, ông Peskov khẳng định, Nga không thực hiện cuộc tấn công nào nhằm vào khu công nghiệp Azovstal, đồng thời nhắc lại chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hồi tháng trước về việc không tấn công khu vực này. Ông Peskov cũng cho biết các lực lượng Nga đã nhanh chóng dập tắt các nỗ lực của phía Ukraine nằm giành lấy những vị trí tác chiến quan trọng.
Trước đó, ngày 3/5, quân đội Ukraine thông báo lực lượng của Nga đã tiến hành đợt tấn công nhằm vào nhà máy thép Azovstal sau khi khoảng 100 dân thường được sơ tán ra khỏi các đường hầm bên dưới nhà máy.
Cũng trong ngày 4/5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, từ 8h-18h các ngày ngày 5, 6 và 7/5 (giờ địa phương), các lực lượng vũ trang Nga sẽ mở hành lang sơ tán dân thường khỏi lãnh thổ của nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.
Cụ thể, theo kế hoạch vào các khung thời gian kể trên, các lực lượng vũ trang của Nga và lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng sẽ ngừng giao chiến và rút lui một khoảng cách an toàn để dân thường có thể đi "theo bất kỳ hướng nào họ chọn". Hiện, giới chức Ukraine chưa bình luận gì về thông tin nêu trên.
Trong khi đó, liên quan đến tình hình đàm phán giữa Nga và Ukraine, ông Peskov cho biết các cuộc đối thoại chưa mang lại tiến triển, trong khi Ukraine có ý muốn rút khỏi đàm phán. Người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ: “Phía Ukraine tỏ ra không nhất quán khi liên tục thay đổi quan điểm… và (sự không nhất quán này) khiến khó tin được rằng tiến trình đàm phán có thể đạt kết quả”.
Anh mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga; Nga cấm nhập cảnh đối với 63 quan chức Nhật Bản
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày /2, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với trên 1.600 chính trị gia, doanh nhân, quan chức, nhà báo và doanh nghiệp Nga.
Theo Bộ ngoại giao Anh, trong danh sách trừng phạt hiện có khoảng 20 ngân hàng Nga với tổng tài sản 940 tỷ bảng Anh (tương đương hơn 1.200 tỷ USD), hơn 100 doanh nhân lớn và người thân của họ với tổng tài sản theo ước tính của London là hơn 170 tỷ bảng Anh (tương đương khoảng 220 tỷ USD).
Gần đây nhất, ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Anh cho biết chính phủ nước này đã mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có Công ty Phát thanh và Truyền hình nhà nước toàn Nga (VGTRK, công ty sở hữu các kênh truyền hình trung ương Russia-1, Russia-…) và các nhà báo Nga đưa tin các sự kiện ở Ukraine.
Theo đó, các biện pháp hạn chế bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào Anh và đóng băng tài khoản tại ngân hàng Anh. Đối tượng áp dụng là các nhà báo và các phóng viên chiến trường, người dẫn chương trình, Trợ lý của Tổng thống Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kênh 1… Các biện pháp trừng phạt mới cũng cấm các công ty Nga sử dụng dịch vụ do các công ty Anh trong lĩnh vực truyền thông, kế toán và tư vấn quản lý cung cấp.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Anh cũng thông báo việc đưa vào danh sách trừng phạt Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov, cùng nhiều cá nhân và tổ chức khác của Nga.
Cùng ngày, TASS đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt cấm nhập cảnh đối với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng 62 công dân Nhật Bản khác. Trong danh sách này còn có Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno. Danh sách đầy đủ được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga.
Biện pháp trên được đưa ra sau khi Nhật Bản áp đặt một số biện pháp hạn chế đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tổng cộng Tokyo đã áp đặt trừng phạt hơn 500 công dân Nga, gồm các quan chức và doanh nhân. Ngoài ra, Nhật Bản đã phong tỏa tài sản của nhiều ngân hàng Nga như Otkritie Bank, Novikombank, Sovcombank, VTB, Rossiya Bank, Promsvyazbank, VEB.RF, Sberbank và Alfa-Bank cũng như khoảng 40 tổ chức và công ty của Nga.
Áo: Không có thủ tục nhanh chóng nào cho Ukraine để gia nhập EU
Trang tin Euractiv.de (Đức) ngày 4/5 dẫn lời Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Áo, ông Karoline Edtstadler cho rằng, vấn đề Ukraine gia nhập EU không thể đạt được “trong 5 đến 10 năm tới”.
Trước đó, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg đã gây ra tranh cãi sau khi đề nghị Ukraine xem xét các cách khác nhau để “xích lại gần EU hơn” ngoài tư cách thành viên - một động thái mà các hãng thông tấn Nga đưa tin rằng Áo nói “không” với việc gia nhập EU của Kiev.
Bình luận về vấn đề trên, bà Edstadler nói rằng việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của EU sẽ là “một quá trình dài để điều chỉnh, mà chắc chắn không thể đạt được trong vòng 5 đến 10 năm tới”, vì “một số quốc gia ở Tây Balkan cũng đã chờ đợi hàng thập kỷ cho bước tiếp theo”. Bà Edstadler lưu ý rằng, không có thủ tục nhanh chóng nào cho Ukraine để gia nhập EU.
Áo là một trong số ít quốc gia châu Âu từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine, thay vào đó chọn hỗ trợ bằng viện trợ nhân đạo. Cho đến nay, nước này đã cung cấp 10.000 mũ bảo hiểm, áo giáp và 100.000 lít nhiên liệu, đồng thời viện trợ 17,5 triệu Euro cho Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức phi chính phủ khác để chuyển cho Ukraine. Chính phủ Áo cũng quyên góp 10 triệu Euro cho chương trình hỗ trợ Ukraine của Ngân hàng Thế giới.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 4/5 cho biết quân đội nước này sẽ ngăn chặn hoạt động vận chuyển vũ khí ở Ukraine của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phát biểu tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga, ông Shoigu khẳng định, bất cứ phương tiện vận tải nào của NATO đến lãnh thổ của Ukraine cùng với vũ khí hoặc vật chất phục vụ nhu cầu của Lực lượng vũ trang Ukraine đều được coi là mục tiêu tấn công hợp pháp. Theo ông Shoigu, trong chiến dịch quân sự đặc biệt đang triển khai tại Ukraine, quân đội Nga đang đảm bảo an toàn cho người dân Donbass, các lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các nhiệm vụ do Tổng Tư lệnh tối cao đề ra.