Ngày 12/5, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư công, xây dựng hạ tầng trên địa bàn.
Các đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư công, xây dựng hạ tầng trên địa bàn thời gian qua.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý I/2023 ước tăng 6,53% so cùng kỳ, trong đó khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,62%, khu vực dịch vụ tăng 10,25%.
Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách: Trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án với tổng số vốn 5.961 tỷ đồng, lũy kế đến nay, vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 859 dự án với số tổng vốn đăng ký khoảng 6.086 tỷ đồng. Toàn tỉnh Thái Nguyên có 9 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký 98,25 triệu USD, lũy kế đến nay có 181 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt gần 10,5 tỷ USD.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt ,5 tỷ USD, giảm 19,3% so cùng kỳ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm chưa đạt tiến độ đề ra.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; hoạt động đầu tư công, xây dựng hạ tầng; phát triển nhà ở xã hội; cấp phép khoáng sản; chính sách tín dụng; thị trường… Trên cơ sở đó, tỉnh nêu một số kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đại tướng Phan Văn Giang biểu dương, ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được thời gian qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Đồng chí đề nghị, thời gian tới tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; đồng thời đề ra các giải pháp linh hoạt, sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả 5 định hướng lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 đã xác định; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện thật tốt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt
Đồng thời, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp; kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế, chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng quân sự địa phương vững mạnh toàn diện; tích cực đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi để phát triển.
Đại tướng Phan Văn Giang cũng nêu rõ, các đề xuất, kiến nghị của tỉnh sẽ được báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.