Tòa án

Đoàn khảo sát của UBTP Quốc hội làm việc với TAND cấp cao tại Đà Nẵng

Trang Trần 18/04/2023 21:01

Nằm trong chương trình khảo sát "Việc chấp hành Luật Tổ chức TAND 2014", chiều 18/4/2023, đoàn công tác Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội khóa XV do ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm UBTP làm Trưởng đoàn đã làm việc với TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Làm việc với Đoàn công tác có ông Phạm Văn Cần- Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng.

Về phía TAND cấp cao tại Đà Nẵng có đồng chí Nguyễn Văn Bường- Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng và các đồng chí Phó Chánh án.

doan_khao_sat_ubtp_lam_viec_tandcc_-tai_danang-2-.jpg
Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm UBTP nêu một số nội dung chính, đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng góp ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Văn Bường đã báo cáo đoàn khảo sát việc triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Cụ thể, về tình hình, kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm; giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm từ ngày 01/10/2017 đến 30/9/2022, trong giai đoạn 5 năm từ năm 2018-2022, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã thụ lý 5.763 vụ việc phúc thẩm các loại, đã giải quyết được 5.4 đạt tỷ lệ đạt 90,9%; riêng năm 2022, tỷ lệ án phúc thẩm giải quyết đạt 94,39% (còn lại 78 vụ việc đang giải quyết trong thời hạn luật định).

Án hành chính, từ năm 2018-2022, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã thụ lý tổng cộng 1.574 vụ án hành chính phúc thẩm các loại; đã giải quyết 1.329 đạt tỷ lệ 84,44%; riêng năm 2022 đạt 92,51%, vượt cao so với chỉ tiêu Quốc hội giao (chỉ còn tiếp tục giải quyết 28 vụ trong thời hạn luật định). Đối với các vụ việc phá sản, đơn vị đã thụ lý tổng cộng 01 vụ việc phá sản các loại; đã giải quyết 01 vụ, đạt tỷ lệ 100%.

doan_khao_sat_ubtp_lam_viec_tandcc_-tai_danang-3-.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Bường- Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng báo cáo kết quả về việc chấp hành Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Trong thời gian từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/9/2022, đơn vị đã thụ lý 1.101 vụ, việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm; đã xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm 1.099 vụ, việc các loại; đạt tỷ lệ 99,81%; còn lại 02 vụ đang tiếp tục giải quyết trong thời hạn luật định.

Thụ lý theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm là 6.379 vụ, việc; kết quả giải quyết 6.165 đơn, đạt tỷ lệ 96,64%; còn lại 214 đơn đang tiếp tục xem xét giải quyết trong thời hạn luật định; riêng năm 2022, giải quyết đạt tỷ lệ 98,60%.

Công tác xét xử trực tuyến tính đến tháng 4 năm 2023, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử được 495 phiên tòa trực tuyến từ điểm cầu của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đến các điểm cầu là TAND các tỉnh/thành phố thuộc phạm vi quản lý.

Năm 2022, TAND cấp cao tại Đà Nẵng là đơn vị dẫn đầu cả nước về xét xử trực tuyến và đến nay vẫn dẫn đầu với số lượng án xét xử trực tuyến cách biệt lớn so với các TAND khác.

doan_khao_sat_ubtp_lam_viec_tandcc_-tai_danang-4-.jpg
Ông Phạm Đình Thanh- Ủy viên Ủy ban Tư pháp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, thành viên đoàn khảo sát trao đổi một số ý kiến.

Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường đã nêu một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện tổ chức bộ máy TAND cấp cao theo Luật Tổ chức TAND năm 2014. Cụ thể như, TAND cấp cao tại Đà Nẵng chưa được tổ chức Tòa chuyên trách này và cũng chưa có Phòng giám đốc, kiểm tra án gia đình và người chưa thành niên nên chưa đảm bảo tính đồng bộ và tính chuyên môn hóa.

Hay như việc quy định TAND cấp cao không có Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp sẽ không tạo được tính kế thừa trong công tác cán bộ và cơ hội phấn đấu nghề nghiệp đối với Thư ký, Thẩm tra viên; khó khăn cho công tác luân chuyển, điều động cán bộ. Điều này dẫn đến hạn chế nhất định trong việc phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; khó khăn trong việc tuyển dụng mới đối với nhân sự giữ chức danh Thư ký.

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán như hiện hành tuy đã có đổi mới so với trước đây, nhưng vẫn cần được cân nhắc thêm vì chưa tạo được tâm lý yên tâm công tác cho các Thẩm phán. Biên chế chưa được bố trí phù hợp với đặc thù công việc. Hiện nay, đơn vị chưa có đủ Thư ký để bố trí về các Tòa chuyên trách, nên không đảm bảo điều kiện hoạt động như quy định trong Luật Tổ chức TAND năm 2014…

doan_khao_sat_ubtp_lam_viec_tandcc_-tai_danang-1-.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Từ một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014, Chánh án Nguyễn Văn Bường đã kiến nghị các giải pháp để khắc phục, hoàn thiện Luật Tổ chức TAND và các vấn đề liên quan.

Trong đó, đề nghị TANDTC sớm xem xét, quyết định thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên và Phòng Giám đốc, kiểm tra án gia đình và người chưa thành niên (Phòng Giám đốc, kiểm tra 3). Thành lập các Tòa chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, phá sản, đất đai và môi trường trong hệ thống TAND.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định tại các điều 29, 30 và 34 về địa vị pháp lý của các Phòng giám đốc, kiểm tra cho tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với tổ chức các Viện của VKSND cùng cấp (vụ cấp II).

Bổ sung biên chế đối với TAND cấp cao tại Đà Nẵng, đặc biệt là đội ngũ Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án. Đề nghị sớm bổ sung biên chế kỹ sư công nghệ thông tin vào đề án vị trí việc làm để bảo đảm chuyên môn hóa, có chế độ đãi ngộ, đào tạo để họ yên tâm làm việc…

Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, các thành viên đoàn công tác đã có một số ý kiến góp ý như: Những đề xuất kiến nghị cần phải chi tiết, cụ thể hơn, trong đó lý giải rõ vì sao và điều đó mang lại kết quả, giá trị như thế nào.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm UBTP đánh giá cao nội dung báo cáo của TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Đối với các nội dung ý kiến đề xuất, kiến nghị tại buổi khảo sát sẽ được ghi nhận, nghiên cứu, đồng thời tham khảo để tiếp tục hoàn chỉnh Luật, bảo đảm có giá trị lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đon khảo sát của UBTP Quốc hội lm việc với TAND cấp cao tại Đ Nẵng