Được tôn xưng là “Vua sông”, “Chúa mỏ” ngay khi còn sống, Bạch Thái Bưởi đã viết nên những trang hào hùng của một doanh nhân Việt mang tinh thần dân tộc đáng tự hào bằng cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy truyền cảm hứng của mình.
Từ cậu ký Bưởi đến “Vua tàu thủy”
Theo nhiều tài liệu, Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân ở làng Yên Phú, Thanh Trì, Hà Đông (nay là một quận thuộc Hà Nội). Được cha mẹ cố gắng cho ăn học, với khả năng tính toán và tiếng Pháp thành thạo, chàng thanh niên Bạch Thái Bưởi trở thành thư ký cho Công sứ Bonnet - người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội.
Năm 1894, với tham vọng làm chủ máy móc cơ giới - những thành tựu của văn minh phương Tây, Bạch Thái Bưởi chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu khoán. “Cậu ký Bưởi” một lần nữa choáng ngợp trước sự phát triển của các nước phương Tây khi có cơ hội sang Pháp triển lãm Bordeaux.
Âm thầm học hỏi cách làm việc của người Pháp, chàng thanh niên ấy càng nung nấu ý chí tự lực tự cường. “Dám nghĩ, dám làm”, ngay sau khi về nước, Bạch Thái Bưởi đã bước chân vào thương trường, mở ra cuộc đời được giới kinh doanh Việt coi như huyền thoại.
“Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”, dù chỉ đứng cuối trong top bốn người Việt giàu nhất thế kỷ 20, Bạch Thái Bưởi vẫn khẳng định vị thế, sức hút đáng ngưỡng mộ của mình bởi tinh thần dân tộc, khát vọng cải tạo xã hội thể hiện qua “triết lý” kinh doanh của mình.
"Sự nghiệp kinh doanh của mình, diễn ra trên đất nước mình, xung quanh là đồng bào mình, chắc chắn là thắng lợi", với tâm niệm đó, Bạch Thái Bưởi “chạm” vào và trở thành ông vua trong hai “vùng đất cấm” của người Việt lúc bấy giờ: Thị trường hàng hải và khai thác mỏ.
Trước khi bước chân vào lĩnh vực vận tải thủy, Bạch Thái Bưởi tích lũy được số vốn lớn và khẳng định tên tuổi trong giới kinh doanh với chiến thuật liên danh với người Pháp thầu vật liệu cho công trình xe lửa Hà Nội - Sài Gòn. “Thừa thắng xông lên”, ông lao vào thầu khoán thu phí chợ các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Vinh… và thắng lợi rực rỡ.
Với khí thế đó, ông đặt chân vào lĩnh vực mà lúc bấy giờ được coi là “thánh địa” độc quyền của tư bản nước ngoài với những hãng tàu nổi tiếng như: Messagerie Maritime và Chargeurs Reuni, hãng Marty tại Hà Nội, hãng Deschwanden ở Hải Phòng, một số hãng của người Hoa…
Thuê lại 3 chiếc tàu chạy tuyến Hà Nội - Nam Định và Hà Nội - Bến Thủy, sự có mặt của “cậu ký Bưởi” trên thị trường hàng hải khiến tư bản Pháp và thương nhân Hoa gai mắt. Họ liên minh hòng “bóp” chết doanh nhân Việt từ trong trứng nước với chiêu ép giá thảm khốc. Dùng chiêu trò “cá lớn nuốt cá bé”, ép giá xuống gần 10 lần, Bạch Thái Bưởi vừa khởi sự đã bước trên bờ vực phá sản.
Không chịu khuất phục, “cậu ký Bưởi” đã một lần nữa khơi dậy “dòng máu đồng bào” chảy trong huyết quản mọi người Việt khi đổi tên tàu thành những cái tên đáng tự hào: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi…
Ông còn cho người đi diễn thuyết trên các bến tàu về triết lý “Người Việt đi tàu Việt” - được coi là tiền thân của sologan “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” sau này, người Việt giúp nhau để chấn hưng nền kinh tế, cổ vũ tinh thần đồng bang.
Năm 19, chỉ trong 6 năm với chiến thuật kinh doanh của mình, Bạch Thái Bưởi đã trở thành “ông Vua tàu thủy” khi buộc thương nhân Hoa từ bỏ cuộc chơi, thâu tóm các hãng tàu của Pháp, biến chủ Pháp thành người làm công cho mình.
Trong vòng 10 năm (1909 -1919), không chỉ phủ sóng khắp các tuyến sông miền Bắc, huyền thoại ngành hàng hải Việt thế kỷ 20 còn vươn ra thị trường quốc tế như: Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Trung Quốc. Từ chàng nông dân nghèo tới “anh ký Bưởi”, giới tư bản lúc này còn gọi ông là “Chúa sông Bắc Kỳ”.
“Vua mỏ” - Người truyền cảm hứng sau hơn một thế kỷ
Không chìm đắm trong ánh hào quang của chiến thắng, từ năm 1921, Bạch Thái Bưởi dấn thân vào lĩnh vực được coi là “vùng đất cấm”, độc quyền của tư bản Pháp lúc bấy giờ: Khai thác mỏ.
Với khởi đầu từ giấy phép khai thác than tại Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay), đến năm 1928, doanh nhân họ Bạch dốc hết tài sản vào khai thác mỏ. Ông thể hiện tầm nhìn vượt thời đại khi sang tận Pháp chiêu mộ nhân tài là sinh viên xuất sắc ở chuyên ngành hầm mỏ; ký hợp đồng với chuyên viên nước ngoài vào làm sếp mỏ... Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, Bạch Thái Bưởi xuất than sang cả Pháp, Nhật, được người đời tôn là “Vua mỏ nước Việt”.
Nổi danh không chỉ bởi sản nghiệp đồ sộ, những cuộc cạnh tranh “lịch sử”, triết lý trên thương trường mang đậm tinh thần dân tộc đã khiến Bạch Thái Bưởi trở thành huyền thoại, “ông vua không ngai” trong các lĩnh vực kinh doanh mà ông dấn thân.
Sức lan tỏa tinh thần ái quốc từ doanh nhân họ Bạch đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho phong trào khởi nghiệp đầy tự tin của một thế hệ doanh nhân thời bấy giờ. Tiếp nối ông, giới công thương Việt đã kéo dài “cuộc chiến thương trường” với tư bản nước ngoài từ năm 1905 - 1935 với nhiều cái tên lừng lẫy như: Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Hữu Thu, Trương Văn Bền…
Tháng 10/2009 - đúng 100 năm sau bước đi đầu tiên của Bạch Thái Bưởi vào thị trường hàng hải, Bộ Chính trị đã phát động Phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” - tên phong trào được nhiều nhà văn, nhà báo, chí sĩ coi là xuất thân từ triết lý kinh doanh đầy tinh thần dân tộc của Bạch Thái Bưởi. Phong trào ấy tới nay vẫn đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng làm giàu cho quê hương, đất nước của người Việt.
Khi đang ấp ủ nhiều dự định chấn hưng đất Việt như xây nhà máy xay gạo, xây nhà máy nước, nhà máy điện, đường sắt… năm 1932 ông đột ngột qua đời tại Hải Phòng sau một cơn đau tim khi mới 58 tuổi. Cuộc đời đầy cảm hứng của Bạch Thái Bưởi đã khiến tên tuổi ông trở thành huyền thoại không chỉ trong giới thương nhân Việt lúc bấy giờ mà còn cổ vũ tinh thần tự cường dân tộc của bao thế hệ. Ông được chọn là “ông Tổ” để vinh danh trong ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Không chỉ được ca ngợi là "một bậc anh hùng kinh tế" trong sách giáo khoa, nhiều con đường mang tên Bạch Thái Bưởi khắp các tỉnh thành một lần nữa nhắc nhớ về người truyền cảm hứng kinh doanh lớn nhất thế kỷ 20.
Tại TP. Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), nơi gắn với “chiến tích” lừng lẫy của “ông Vua mỏ” hiện còn đền thờ Bạch Thái Bưởi. Tại đây còn có một con đường và một bến cảng cũng vinh dự mang tên ông.
Ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, một công ty duy nhất không mang tên địa danh mà mang tên người mở đường cho công nghiệp khai mỏ nước nhà: Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Bạch Thái Bưởi.
Dám đi bằng đôi chân của mình, dám tận dụng thời cơ, quyết tâm cạnh tranh đến cùng bằng tinh thần yêu nước, sau hơn một thế kỷ, những bài học kinh doanh của doanh nhân họ Bạch vẫn còn nguyên giá trị.
*Bài viết sử dụng tư liệu từ Thư viện số Doanh nhân Việt Nam và một số nguồn sử liệu khác.