Tâm điểm dư luận

Đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp

Trung Nguyễn 11/12/20 - 10:06

Đánh giá về kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu khẳng định, Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt, Quốc hội đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật và 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật luật với tỷ lệ tán thành cao; đồng thời cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Đây đều là những dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được cử tri, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, theo dõi.

Trong đó, có những dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp với nhiều quy định mới không những được đánh giá là chính sách đột phá, nhằm kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng; mà còn có tầm nhìn dài hạn, tạo cơ sở pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, như quản lý và sử dụng dữ liệu, phát triển công nghiệp công nghệ số, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phát triển điện hạt nhân và điện gió ngoài khơi... để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, bắt kịp xu thế của thời đại, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới.

Quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện đối với các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua và các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu cho thấy, công tác lập pháp đã bám sát và hiện thực hóa tinh thần: Chuyển đổi mạnh tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Đáng chú ý, việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng như “một luật sửa 4 luật” trong lĩnh vực đầu tư và “một luật sửa 9 luật” trong lĩnh vực tài chính, ngân sách… là ví dụ điển hình cho việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo hướng “chuyển từ tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực” với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin - cho”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong các quy định pháp luật do Quốc hội ban hành; công việc giao cơ quan nào, cấp nào làm tốt nhất thì giao cơ quan đó, cấp đó làm.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ ban hành kịp thời nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có nhiều dự án luật rất mới, phù hợp với xu thế phát triển như: Luật Dữ liệu, Luật Công nghiệp công nghệ số… thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội. Sự đổi mới này còn thể hiện ở chỗ, Quốc hội không ngại tiếp tục sửa đổi các luật, điều luật mới ban hành để phù hợp với thực tiễn.

Có thể nói, Quốc hội luôn bám sát cuộc sống, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục điểm nghẽn, điều chỉnh các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người và phục vụ phát triển đất nước, phục vụ Nhân dân.

Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến nhiều đổi mới trong phương thức làm việc, với sự ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và tham gia của các vị đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp đã diễn ra trong không khí dân chủ, cởi mở, trách nhiệm, trí tuệ, đại biểu được phát biểu thẳng thắn, đóng góp ý kiến xây dựng. Điều này thể hiện sự tôn trọng ý kiến của đa số và sự lắng nghe ý kiến của thiểu số.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, để hoàn thiện hơn nữa công tác của mình, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả làm việc, tăng cường sự tương tác với cử tri và nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác tham vấn xã hội, mở rộng kênh tiếp nhận ý kiến của người dân, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại.

Cùng với đó, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác lập pháp như tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giúp họ hoàn thiện các dự án luật một cách tốt nhất.

Thường xuyên đánh giá hiệu quả của luật, sau khi luật được ban hành, cần có cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi của luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Các đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng, với những nỗ lực không ngừng của Quốc hội và các cơ quan liên quan, chất lượng của các dự án luật sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đ̉i mới mạnh mẽ về tư duy trong cng tác lập pháp