Doanh nghiệp - Doanh nhân

Dư địa phát triển logistics Việt Nam còn rất lớn

Trang Nhi 18/10/2023 - 09:33

Dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng cao và liên tục trong những năm qua.

logistics-vn.jpg
Dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng.

Năm 2022, thương mại điện tử là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng cao (20%) và doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Dự kiến năm 2023 với tốc độ tăng trưởng mạnh (25%), doanh thu bán lẻ thương mại điện tử sẽ đạt ước tính 20,5 tỷ USD.

Hơn nữa, sự phát triển này của thương mại điện tử cũng thúc đẩy hành vi tiêu dùng của người mua thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm qua các kênh thương mại điện tử. Sự gia tăng khối lượng giao dịch thương mại điện tử khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao, điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong những năm vừa qua cho dịch vụ logistics trong thương mại điện tử.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Còn theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Số doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán…

Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Tuy những năm gần đây, do tác động của đại dịch Covid-19 và biến động chính trị toàn cầu, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng xu thế đang dần tích cực hơn.

Hiện nay Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, đặc biệt là hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu, đồng thời tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số… nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất mà kế hoạch năm 2023 đề ra.

Để ngành logistics phát triển, cơ sở hạ tầng là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong hai năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường cao tốc quan trọng, kết nối vùng miền đã được xây dựng và hoàn thành. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, và đến 2030, hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Cùng với đó là các tuyến đường ven biển, sân bay, các cảng biển,…

Đây là những điều kiện cần và đủ để Việt Nam có thể phát triển ngành logistics trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta còn nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dư địa phát triển logistics Việt Nam cn rất lớn