Văn hóa - Du lịch

Du lịch văn hóa: Định vị bản sắc Việt trên bản đồ thế giới

Phương Trang 08/05/2025 - 17:06

Trong dòng chảy hội nhập toàn cầu, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là cầu nối đưa bản sắc văn hóa dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Với nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới thông qua việc phát triển du lịch văn hóa.

Kho báu chưa được khai thác xứng tầm

Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, danh thắng, trong đó 3.500 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Cùng với đó là hàng trăm làng nghề truyền thống tồn tại hàng thế kỷ, các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như quan họ, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử, cùng kho tàng lễ hội dân gian phong phú. Đây là những tài nguyên quý giá giúp Việt Nam tạo ra sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa.

Chính những giá trị văn hóa này đã góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón 3,96 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 20.

316-202505081658192.jpg
Di sản thế giới Tràng An được rất nhiều du khách nước ngoài ghé thăm. Ảnh: Phương Trang

Nghiên cứu do công ty dữ liệu du lịch The Outbox Company thực hiện vào cuối năm 20 cho thấy, thương hiệu du lịch Việt Nam đang tạo được dấu ấn mạnh mẽ tại các thị trường khu vực. Chỉ số thương hiệu du lịch Việt Nam đạt 142,8 điểm tại Thái Lan - vượt xa mức trung bình khu vực là 127,5 điểm; đạt 138,8 điểm tại Indonesia và 138,2 điểm tại Ấn Độ. Đáng nói, trong số các yếu tố được đánh giá cao nhất, yếu tố “cảm nhận về bản sắc văn hóa” đứng đầu bảng xếp hạng, vượt cả yếu tố về cơ sở hạ tầng, giá cả hay sự thân thiện.

Cũng theo báo cáo này, 64,3% du khách quốc tế được khảo sát cho biết lý do chính để họ chọn Việt Nam là vì “muốn trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc”. Con số này cao hơn cả Thái Lan (58,2%) và Nhật Bản (62,7%) – những quốc gia vốn có lợi thế lâu đời trong phát triển du lịch văn hóa. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy: bản sắc Việt Nam không chỉ còn là giá trị 'nội tại', mà đang dần trở thành tài sản có thể “xuất khẩu” thông qua du lịch.

Thực tế, nhiều địa phương đã chuyển hướng mạnh mẽ sang khai thác văn hóa như một lợi thế cạnh tranh. Hà Nội hiện có hơn 5.900 di tích được xếp hạng, trong đó có những không gian được “sống lại” nhờ vào hoạt động du lịch như phố cổ, làng nghề, đình làng, hay các lễ hội truyền thống.

Ông Richard Miller, một du khách đến từ Anh, chia sẻ sau chuyến du lịch Việt Nam: “Tôi đã đi khá nhiều nơi, nhưng đến phố cổ Hà Nội là cảm giác khác hẳn. Tôi luôn khuyên bạn bè rằng: nếu chỉ có một ngày ở Việt Nam, hãy dành nó ở phố cổ Hà Nội. Không nơi nào khác bạn có thể cảm nhận rõ ràng đến thế một bản sắc văn hóa rất chân thực, mộc mạc và rất Việt Nam.”

316-202505081658203.jpg
Du khách nước ngoài hào hứng sau chuyến du lịch Việt Nam. Ảnh: Phương Trang

Thành công của du lịch văn hóa không chỉ đến từ con số, mà còn từ chiều sâu tác động. Theo Tổng cục Du lịch, tỷ lệ chi tiêu bình quân của khách quốc tế cho các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại Việt Nam hiện chiếm khoảng ,6% tổng chi tiêu cá nhân, cao hơn các hoạt động mua sắm (17,9%) và ẩm thực (22,3%). Điều này cho thấy, văn hóa không còn là phần 'trang trí', mà là yếu tố then chốt trong trải nghiệm du lịch của du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức. Nhiều địa phương chưa có chiến lược cụ thể cho du lịch văn hóa; nguồn nhân lực thuyết minh, hướng dẫn viên am hiểu văn hóa còn hạn chế, hạ tầng khai thác di sản ở một số nơi chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc thiếu liên kết giữa các ngành - đặc biệt là giữa ngành văn hóa và ngành du lịch - cũng khiến nhiều di sản chỉ dừng lại ở việc 'trưng bày', chứ chưa thực sự 'sống' trong trải nghiệm du khách.

Làm gì để du lịch văn hóa thực sự bứt phá?

Chia sẻ với Báo Công Lý, Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) nhận định: “Chúng ta đang ở một thời điểm vàng để đẩy mạnh du lịch văn hóa. Các giá trị di sản, nếu được bảo tồn và khai thác đúng cách, sẽ trở thành sức mạnh mềm đặc hữu mà không quốc gia nào có thể sao chép. Văn hóa Việt Nam có chiều sâu, có bản sắc rõ ràng, có sự đa dạng vùng miền - nhưng vấn đề là chúng ta cần một cách kể chuyện đủ hấp dẫn, đủ hiện đại để tiếp cận được du khách quốc tế.”

Theo chuyên gia, để phát triển du lịch văn hóa bền vững, Việt Nam cần một chiến lược dài hạn thay vì cách làm ngắn hạn như hiện nay. Trước tiên, cần thay đổi tư duy làm du lịch, từ việc chỉ khai thác tài nguyên sang tạo ra những sản phẩm du lịch thực sự có chiều sâu. Ví dụ, tại các di tích lịch sử, cần có những hoạt động tái hiện lịch sử, giúp du khách trải nghiệm chân thực hơn thay vì chỉ đơn thuần tham quan.

316-202505081658204.jpg
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI)

“Việt Nam cần một chiến lược dài hạn thay vì cách làm ngắn hạn như hiện nay. Phải thay đổi tư duy làm du lịch, từ việc chỉ khai thác tài nguyên sang tạo ra những sản phẩm văn hóa thực sự có hồn, có chiều sâu, có câu chuyện để kể,” ông nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp trọng tâm được ông Quỳnh nhấn mạnh chính là ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch văn hóa. Theo đó, các bảo tàng, di tích, không gian di sản cần được số hóa mạnh mẽ, từ việc xây dựng tour tham quan ảo, trình diễn lịch sử bằng công nghệ thực tế ảo - thực tế tăng cường (VR/AR), cho đến tái hiện những câu chuyện lịch sử thông qua đồ họa 3D, âm thanh tương tác...

Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích lớp trẻ tham gia bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa. Nếu không có những cơ chế hấp dẫn, lớp trẻ sẽ dần xa rời những giá trị truyền thống. Các mô hình đào tạo nghệ nhân trẻ, liên kết giữa làng nghề với các trường đào tạo du lịch là những hướng đi cần thiết để tạo ra một thế hệ kế cận.

Quan trọng hơn hết, du lịch văn hóa không chỉ hướng đến du khách quốc tế mà còn phải trở thành một phần trong đời sống của chính người Việt. Khi người Việt yêu và tự hào về văn hóa của mình, thì những giá trị đó mới thực sự bền vững.

“Khi di sản không chỉ được trưng bày mà được sống lại qua những câu chuyện hấp dẫn, khi du khách không chỉ tham quan mà được hòa mình vào không gian văn hóa bản địa, đó là lúc du lịch văn hóa Việt Nam phát huy hết giá trị,” ông Phạm Hải Quỳnh nhận định.

Bản sắc văn hóa chính là “sức mạnh mềm” của một quốc gia, và du lịch chính là cầu nối quan trọng để đưa giá trị ấy ra thế giới. Khi di sản không chỉ được trưng bày mà được kể bằng những câu chuyện hấp dẫn, khi du khách không chỉ đến tham quan mà còn hòa mình vào không gian văn hóa bản địa, đó mới là lúc du lịch văn hóa Việt Nam phát huy hết giá trị của nó. Hội nhập nhưng không hòa tan, bảo tồn nhưng không đóng khung - đó là con đường để văn hóa Việt thực sự vươn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch văn ha: Định vị bản sắc Việt trên bản đồ thế giới