Tài chính - Ngân hàng

Gần 1800 học sinh trung học tham gia cuộc thi Hiểu biết về tài chính

Duy Tuấn 08/03/20 - 18:40

Ngày 8/3/20, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp, tổ chức cuộc thi Hiểu biết về tài chính tại 2 trường THCS dân tộc nội trú Cẩm thủy 1 và THPT Cẩm Thủy 1, tỉnh Thanh Hóa. Chương trình đã thu hút gần 1800 học sinh tham gia tìm hiểu về đồng tiền Việt Nam…

Học sinh được chia sẻ về chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, đầu tư

Thông qua các chia sẻ đến từ chuyên gia của NHNN và nội dung thi thực tế, cuộc thi “Hiểu biết về tài chính” đã cung cấp các kiến thức bổ ích, lý thú về đồng tiền Việt Nam, mốt số hình thức thanh toán, các cảnh báo bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt đến với các bạn học sinh một cách sinh động, đơn giản, dễ hiểu và có sức lan tỏa rộng rãi. Qua đó, giúp các em học sinh sớm tiếp cận với kiến thức cơ bản về tài chính, như: chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, đầu tư; đồng thời, có những hiểu biết về tiền và lịch sử đồng tiền Việt Nam, cách ứng xử với đồng tiền, biết quý trọng giá trị sức lao động, cảm nhận được những thông điệp về lòng yêu lao động, lòng nhân văn, nhân ái.

1(7).jpg
Chương trình giúp các em học sinh sớm tiếp cận với kiến thức cơ bản về tài chính, như: chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, đầu tư; đồng thời, có những hiểu biết về tiền và lịch sử đồng tiền Việt Nam.

Bên cạnh đó thông qua chương trình cũng chia sẻ nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa đến các em học sinh.

Theo thầy Cao Quang Thắng – Phó Hiệu trưởng, Trường THCS Dân tộc nội trú Cẩm Thủy 1, chương trình là hoạt động khai mở ban đầu cho các em những kiến thức mới mẻ, bổ ích và vô cùng giá trị về tài chính. Từ đó nhận thức về tiền và một số kiến thức tài chính, điều này giúp các em có ý thức học hỏi về tài chính nhiều hơn.

Thầy Nguyễn Thọ Bảo - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Thủy 1 đánh giá, những kiến thức cơ bản, bài học về giá trị đồng tiền có tác động đến tâm lý học sinh của trường rất lớn. Theo thầy Bảo, “những kiến thức liên quan đến tài chính, giá trị đồng tiền cần thiết trở thành nội dung đào tạo thường xuyên cho học sinh”.

Theo nhận xét của một học sinh trường THCS dân tộc nội trú THPT Cẩm Thủy : “Lần đầu tiên em quan tâm đến tài chính như cách nhận biết tiền thật, giả, các hình thức về tiết kiệm, nhất là cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ khi phải lao động kiếm tiền, nhiều khái niệm lần đầu em được nghe ... đều rất ấn tượng đối với em.”

2(3).jpg
Nhiều câu hỏi được sử dụng trong các phần thi của cuộc thi "Hiểu biết về tài chính" được trích trong cuốn sách “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền” của tác giả Lê Thị Thúy Sen.

Nhiều câu hỏi được sử dụng trong các phần thi của cuộc thi "Hiểu biết về tài chính" được trích trong cuốn sách “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền” của tác giả Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người có 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, truyền thông, bảo hiểm tiền gửi. Cuốn sách được coi là một học liệu tốt để giáo dục tài chính cho cộng đồng hiện nay. Các khái niệm tưởng chừng phức tạp, khó hiểu như: lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỷ giá,… đã được cuốn sách định nghĩa và lý giải một cách dễ hiểu, logic, được lồng ghép vào nội dung của 30 câu chuyện trong cuốn sách. Cuốn sách còn giúp các em học sinh rèn luyện văn hóa đọc, hoàn thiện kĩ năng, nhân cách và phát triển một cách toàn diện.

Tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng

Việc truyền thông giáo dục tài chính (GDTC) cho người dân là một xu hướng của NHTW các nước trên thế giới nhằm tăng cường tính minh bạch của thông tin, hiểu biết về tài chính, minh bạch hóa pháp luật với người dân.

3(4).jpg
Cuộc thi Hiểu về tài chính, Khéo khôn với tiền cho học sinh tại Thanh Hóa, Tuyên Quang, Tp HCM thu hút khoảng gần 4000 học sinh, sinh viên tham gia.

Trên thế giới, GDTC cho người dân, đặc biệt là với giới trẻ được chú trọng ngay từ khi còn nhỏ. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Trong đó, tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng.

Thời gian qua, NHNN đã chú trọng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình truyền thông GDTC, như: Tiền khéo tiền khôn, Đồng tiền thông thái, cuộc thi Hiểu đúng về tiền, nhà Ngân hàng tương lai, Hiểu biết về tài chính… các chương trình được đánh giá cao về sự đổi mới, sáng tạo, đột phá trong truyền thông. Tiếp tục các mục tiêu nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức, kĩ năng tài chính cho học sinh, chương trình giáo dục tài chính Khéo khôn với tiền được tổ chức cho gần 1800 học sinh trung học tại 2 trường THCS dân tộc nội trú Cẩm thủy 1 và THPT Cẩm Thủy 1, tỉnh Thanh Hóa. Trước đó chương trình đã tổ chức cuộc thi Hiểu về tài chính, Khéo khôn với tiền cho học sinh tại Thanh Hóa, Tuyên Quang, Tp HCM với khoảng gần 4000 học sinh, sinh viên đã tham gia.

Thời gian tới, Vụ Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các chương trình GDTC, lan tỏa mạnh mẽ hơn, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, hướng tới giới trẻ … để lan tỏa kiến thức, kỹ năng tài chính thông minh, qua đó giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, cũng như góp phần bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 1800 học sinh trung học tham gia cuộc thi Hiểu biết về ti chính