Môi trường

Gỡ vướng trong công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

PV 18/05/20 - 20:20

TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhận định, phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý Rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn.

Vừa qua, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã tổ chức Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.

a1.jpg
Toàn cảnh buổi Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam - cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 06 Điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

a2.jpg
Ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chủ trì diễn đàn.

Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý Rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn, TS. Nguyễn Linh Ngọc cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Thành Lam - Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT cho biết, trước khi có Luật BVMT 2020, tình hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn mang tính thí điểm, mô hình, không thành công, sau khi có Luật BVMT 2020 đã bước đầu có địa phương tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tại miền Bắc, điển hình tại một số địa phương như: Hà Nội, Lào Cai, Hải Dương, Hải Phòng. Miền Trung – Tây Nguyên: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng. Miền Nam: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.

a5.jpg
Ông Nguyễn Thành Lam - Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT trình bày tham luận tại diễn đàn

Ông Lê Hải Bằng – Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phân loại, thu gom và cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, định mức về công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt sẽ sớm được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công ty môi trường. Đồng thời, Bộ TN&MT sẽ có những hướng dẫn chung, xây dựng bộ phận riêng thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

a6.jpg
Ông Lê Hải Bằng – Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên trình bày tham luận tại diễn đàn

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lưu Tấn Tài - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là thành phố trên sông, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều vướng mắc và khó khăn, hạn chế. Hiện nay Sở TN&MT TP Cần Thơ đang tham mưu cho UBND TP ban hành quy định về việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Dự kiến là trong tháng này sẽ được thông qua hội đồng thẩm định để ban hành.

Từ năm 2017, thành phố đã có văn bản hướng dẫn phân loại rác thải làm 3 nhóm. Tuy nhiên, mới chỉ thực hiện thí điểm tại 4/9 quận, huyện của thành phố nên có những cái hạn chế về nhận thức của người dân. Nếu mà lồng ghép việc phân loại rác tới từng gia đình mà chia thành 4-5 loại thì người dân cũng kêu ca để trong nhà nhiều thùng đựng thế thì không có chỗ.

Không chỉ khó khăn với các địa phương, ngay cả với những đơn vị thực hiện thu gom rác cũng có những vướng mắc trong quá trình triển khai, chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Lân - Đại diện Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương, cho biết: Với đặc thù rác thải ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung là rác thải chưa phân loại, không có công nghệ nào xử lý được nếu không tiến hành phân loại rác ngay từ đầu.

Ngoài những khó khăn vướng mắc của các địa phương thì trong thời gian qua một số tỉnh, thành phố đã có những mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: Giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

a7.jpg
ThS. Đào Thu Huyền - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng trình bày tham luận tại diễn đàn.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Đào Thu Huyền - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP Hải Phòng, cho biết: Với niềm tin phân loại rác tại nguồn là tốt, là điều cần làm, phải làm. Chắc chắn phân loại rác tại nguồn sẽ thành công, đặc biệt phải kiên trì. Theo lộ trình UBND thành phố đề ra, phấn đấu đến ngày 31/10/20, cơ bản 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn các quận, huyện toàn thành phố hoàn thành và tiếp tục duy trì công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Phát biểu tại Diễn đàn, trên cơ sở các tham luận của các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: Các tham luận trong diễn đàn đều đưa ra được bối cảnh, sự chuẩn bị cùng những khó khăn, vướng mắc trong việc phân loại rác sinh hoạt.

a3.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội phát biểu tại diễn đàn.

Ngay khi Luật BVMT 2020 có hiệu lực, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết chỉ đạo thực hiện cho các cơ quan có thẩm quyền, giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát và báo cáo về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dự kiến trong năm 2025, Quốc hội sẽ thực hiện hoạt động giám sát tối cao trong lĩnh vực môi trường, đây cũng là dịp để rà soát lại những nội dung của công tác phân loại rác thải sinh hoạt.

a12.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Tại diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng trong cng tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt