Ngày 16/4, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt “Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố”.
Theo Quyết định số 2066/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố”, của UBND Thành phố Hà Nội, mục tiêu của Đề án là khắc phục những tồn tại, bất cập của mạng lưới xe buýt hiện tại; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển mạng lưới xe buýt Thủ đô ngày càng hợp lý, hiệu quả, thân thiện môi trường và là một hợp phần của hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đa phương thức trong tương lai.
Cùng với đó, tăng cường năng lực vận chuyển cho hệ thống VTHKCC bằng xe buýt của Thủ đô nhằm từng bước giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đối với người dân sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố.
Đề án đánh giá về hiện trạng hệ thống xe buýt trên địa bàn Thành phố với 7 nội dung chính sau: Về mạng lưới tuyến xe buýt; về hạ tầng phục vụ xe buýt; về đoàn phương tiện xe buýt; về hệ thống vé xe buýt; về chất lượng dịch vụ xe buýt; về công tác trợ giá xe buýt; về chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.
Đến nay, TP. Hà Nội đã có 4 tuyến buýt, tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 513/579 xã, phường, thị trấn đạt 88,6%; kết nối với 8 tỉnh, thành lân cận; cùng với đường sắt đô thị trở thành phương tiện giao thông đi lại nòng cốt trong đô thị năm 2023 sản lượng vận chuyển đạt 385,2 triệu lượt hành khách, tăng 13,2% so với năm 2022.
Nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích cho người dân Thủ đô tham gia loại hình dịch vụ này vượt trội so với các địa phương trong cả nước, chính sách miễn phí đi xe buýt cho người cao tuổi và nhân khẩu hộ nghèo theo Nghị quyết số 07 của HĐND Thành phố được nhân dân đón nhận, đánh giá cao. Đến hết năm 20 đã cấp trên 721.000 thẻ miễn phí các loại; hình thức vé cơ bản đa dạng với nhiều đối tượng khác nhau: Vé lượt, vé tháng ưu tiên, không ưu tiên, vé tháng 1 tuyến, liên tuyến, tập thể; đã triển khai thí điểm vé điện tử trên 25 tuyến buýt.
Đoàn phương tiện xe buýt xanh, sạch, thân thiện với môi trường bước đầu đã được triển khai. Đến nay đã có 348 xe sử dụng năng lượng sạch: 139 xe buýt khí CNG và 209 xe buýt điện, đạt 18,5%; chất lượng đoàn xe được nâng cao, chủng loại xe hoạt động đa dạng phù hợp với điều kiện hạ tầng khu vực.
Thông tin về mạng lưới phục vụ người dân được kịp thời triển khai nhiều ứng dụng “Tìm buýt, Busmap, Vinbus…” để phục vụ tra cứu thông tin cho hành khách. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ được tuân thủ theo đúng quy định; hệ thống định mức đơn giá từng bước đã được cải thiện cập nhật hoàn thiện.
Đồng thời, Đề án nêu các nguyên nhân, hạn chế, đồng thời dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ VTHKCC giai đoạn 2025-2030 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, phương án phát triển đường sắt Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xây mới 14 tuyến đường sắt đô thị.
Về định hướng quy hoạch đường hàng không: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không cấp 4F; lưu lượng hành khách thông qua đến năm 2030 là 60 triệu khách/năm, diện tích khoảng 1.500 ha; đến năm 2050: 100 triệu khách/năm, diện tích khoảng 2.200 ha, mở rộng về phía Nam; phát triển cảng hàng không thứ hai với dự trữ quỹ đất, không gian, hạ tầng tại phía Nam khu vực huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên để nghiên cứu phát triển cảng hàng không thứ 2 - vùng Thủ đô Hà Nội; phương án phát triển hệ thống bến xe thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự báo nhu cầu và tỷ lệ đáp ứng VTHKCC trên địa bàn Thành phố.
Đề án đề xuất các phương án, giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.
Cụ thể, giai đoạn 2025-2030: Tập trung phát triển các tuyến buýt sử dụng điện, năng lượng xanh kết nối với các tuyến đường sắt đô thị phát triển theo tiến độ các tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác vận hành, các khu đô thị mới, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, bảo tàng;
Giai đoạn 2031-2035: Phát triển theo hướng hỗn hợp phù hợp với phát triển hạ tầng giao thông đường bộ; giải pháp chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh vơi mục tiêu: Tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 đạt khoảng 70%-90%, đến năm 2035 đạt 100%;
Về hạ tầng xe buýt: Cải tạo nâng cấp hạ tầng cho xe buýt; tổ chức làn ưu tiên xe buýt; giải pháp nhận diện thương hiệu phương tiện xe buýt Thủ đô, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ làm cơ sở lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt; về xây dựng phương án vé liên thông;
Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và điều hành: Triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng trên địa bàn Thành phố; triển khai hệ thống Giao thông thông minh giai đoạn 1 trên địa bàn Thành phố…
UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện “Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố” theo đúng tiến độ và các giải pháp đã đề ra, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, chống lãng phí.
Giao các Sở: Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo Đề án đạt hiệu quả.