Nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động Thủ đô, chiều ngày 16/01, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã họp phân công các đơn vị phối hợp triển khai chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” và “Chợ Tết Công đoàn năm 20”.
Theo kế hoạch mới nhất, chợ Tết sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 22/01/20 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô. Cùng đó, chương trình “Tết sum vầy” diễn ra chiều ngày 21/01.
Chợ Tết Công đoàn năm 20 có 120 gian hàng của 84 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 4 gian hàng “0” đồng và quà tặng Tết sum vầy của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; 3 gian hàng tư vấn và khám bệnh miễn phí. Ban tổ chức sẽ bố trí và phân bổ số lượng voucher vào 3 ngày diễn ra Chợ Tết một cách khoa học để đảm bảo việc tham quan mua sắm của đoàn viên được thuận tiện. Xen kẽ thời gian diễn ra chợ Tết là các tiết mục xiếc, trò chơi dân gian, ca múa nhạc.
Ban Tổ chức yêu cầu, các gian hàng chỉ được mở bán hàng hóa sau khi đã cắt băng khai trương chợ Tết Công đoàn. Các đơn vị tham gia bán hàng chuẩn bị sản phẩm bán cho đoàn viên, người lao động tham gia chương trình, đảm bảo đúng chủng loại, mẫu mã, đơn giá đã đăng ký với Liên đoàn Lao động thành phố.
Ban tổ chức sẽ phát 7.800 voucher mua hàng cho 7.800 đoàn viên, người lao động khó khăn đến tham quan, mua sắm. Mỗi voucher trị giá 500.000 đồng bao gồm các mệnh giá: 02 phiếu mua hàng trị giá 200.000 đồng và 01 phiếu trị giá 100.000 đồng.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hỗ trợ khoảng 30 xe đưa đón 5.000 công nhân, lao động khu công nghiệp về quê đón Tết và quay trở lại làm việc sau Tết. Trong đó, hỗ trợ công nhân đi các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh khoảng 2.000 công nhân; Thanh Hóa 2.000 người; đi một số tỉnh phía Bắc (Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn) 1.000 công nhân.
Ngoài kế hoạch cấp thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ" tập trung ở cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở. Tùy tình hình thực tế, các cấp công đoàn lựa chọn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; doanh nghiệp có đông đoàn viên, người lao động; doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh để tổ chức chương trình, đảm bảo thuận lợi, thu hút nhiều đoàn viên, người lao động tham gia, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Những nơi không tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tập trung, có thể lựa chọn các hình thức như: Tổ chức họp mặt, tặng quà, văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, thăm khu nhà trọ công nhân, thăm hỏi gia đình đoàn viên, người lao động…
Từ đó, đảm bảo mọi đoàn viên, người lao động được quan tâm, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn. Trường hợp có nhiều đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết thì tổ chức Chương trình “Tết không xa nhà” hoặc các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Cũng trong dịp Tết, Liên đoàn Lao động Hà Nội yêu cầu các công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng Tết, để người lao động biết, yên tâm làm việc. Cùng với đó, giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết.