Trước những diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão Yagi), Bí thư Thành ủy Hải Phòng và Chủ tịch UBND thành phố đã có những chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, quận/huyện khẩn trương, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7h ngày 6/9, tâm bão số 3 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km, cách tỉnh Quảng Ninh khoảng 600km; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.
Dự báo đến 7h ngày 7/9, bão giảm cấp hướng về vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 120km, sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Đến 19h ngày 7/9, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền khu vực phía Đông Bắc Bộ, sức gió vùng gần tâm bão cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày 8/9, bão đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão dưới cấp 6.
Trước những diễn biến phức tạp của bão, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì các cuộc họp nghe báo cáo, chỉ đạo về công tác phòng, chống bão.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Hải Phòng, đến h chiều 5/9, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn phối hợp các cơ quan, để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện, đặc biệt là các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão, chủ động di chuyển phòng tránh. Đến 5 giờ ngày 5/9, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, thông báo cho 1.794 phương tiện với 5.219 lao động; 173 lồng bè với 285 lao động; chòi canh với 14 lao động đang hoạt động và neo đậu.
Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ đã huy động lực lượng để chằng chống nhà cửa, kho tàng, vận động các phương tiện di chuyển vào đất liền tránh trú bão.
Huyện Cát Hải đã chỉ đạo, sắp xếp neo đậu tàu thuyền về các vị trí tránh trú an toàn, vận động 100% ngư dân trên các bè nuôi trồng thủy sản về nơi tránh trú an toàn trước 17h ngày 5/9. Huyện Cát Hải đã thông báo khách du lịch di chuyển vào đất liền đến 12 giờ ngày 6/9/20 (hiện có khoảng trên 2.000 khách du lịch, trong đó khoảng 1.500 khách quốc tế và hơn 500 khách trong nước)…
Trước tình hình trên, Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu đặc biệt quan tâm các khu vực trọng yếu, đê điều, cảng biển, khu neo đậu tránh trú bão, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống truyền tải điện, các khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công, nhà cao tầng, khu vực sản xuất, nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp, các trường học... bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân và khách du lịch.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy bám sát cơ sở, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống lụt tại các địa phương; lưu ý cần có các tổ công tác chỉ huy ứng trực, phải có kịch bản các tình huống xảy ra để xử lý kịp thời; xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương để triển khai các công việc; có cơ chế phối hợp, báo cáo kịp thời; phân công cán bộ ứng trực bão.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố họp trực tuyến với các địa phương đến tận xã, phường, thị trấn vào chiều ngày 6/9 sau khi các đoàn kiểm tra đi thực tế nắm bắt tình hình để có các phương án chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, bảo đảm hiệu quả.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/20 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đoàn kiểm tra theo Thông báo số 232/TB-UBND ngày 5/9/20 của UBND thành phố khẩn trương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại các địa phương.
Yêu cầu thực hiện cấm biển từ 11 giờ ngày 6/9/20 cho đến khi có thông báo mới; giao UBND các quận, huyện thực hiện di dân khỏi các khu chung cư, nhà xuống cấp, các vùng trũng, thấp, các phương tiện giao thông thủy đã về nơi neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, trên biển, trên vịnh từ 12h00 ngày 6/9/20, hoàn thành trước 20h00 ngày 6/9/20.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học mà có kế hoạch làm nơi để di dân đến tạm lánh, cho học sinh nghỉ học từ 12h00 ngày 6/9/20, các trường học còn lại cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/9/20 đến khi bão tan.
Thực hiện các Công điện, Văn bản chỉ đạo, ngày 4 và 5/9, Sở TT&TT Hải Phòng cũng đã có các văn bản gửi các quận/huyện, cơ quan báo chí truyền thông, các đơn vị bưu chính, viễn thông trên địa bàn thành phố đề nghị tăng cường công tác thông tin về tình hình của bão và có các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão.
Để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại một số sân bay gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh) tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 4h đến 16h ngày 7/9; Nội Bài (Hà Nội) ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 10h đến 19h ngày 7/9; Thọ Xuân (Thanh Hóa) ngừng tiếp thu, khai thác từ 12h đến 22h ngày 7/9 và Cát Bi (Hải Phòng) tạm ngừng tiếp thu, khai thác từ 5h đến 16h ngày 7/9.