Mỗi địa điểm đến của chuyến hành trình, chúng tôi đều được nghe rất nhiều những câu chuyện cảm động về những người lính. Chẳng thể nào kể hết được những câu chuyện đau thương và anh dũng của họ. Muốn viết nhiều, nói nhiều nhưng con chữ cứ lặn sâu vào ký ức, vào con tim. Đành âm thầm gửi về miền đất lửa linh thiêng ấy một chút hoài niệm, lòng biết ơn!
Mỗi địa điểm đến của chuyến hành trình, chúng tôi đều được nghe rất nhiều những câu chuyện cảm động về những người lính. Chẳng thể nào kể hết được những câu chuyện đau thương và anh dũng của họ. Muốn viết nhiều, nói nhiều nhưng con chữ cứ lặn sâu vào ký ức, vào con tim. Đành âm thầm gửi về miền đất lửa linh thiêng ấy một chút hoài niệm, lòng biết ơn!
Lặng yên và mặc niệm - trạng thái như mặc định của người Việt Nam trong những ngày tháng 7 - mùa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tri ân những người trở về sau bom đạn, khói lửa của chiến tranh, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để Tổ quốc có được sự bình yên như ngày hôm nay… Và chúng tôi, những người làm Báo Công lý không ngoại lệ. Trạng thái ấy như lắng hơn, sâu hơn, đậm hơn khi được đứng trên mảnh đất thiêng nơi hàng ngàn Anh hùng liệt sỹ yên nghỉ ở Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn:
“Có người lính
Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về.
Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hóa bóng cây tre
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo...”
Những câu hát về người lính Cụ Hồ trong bài hát “Màu hoa đỏ” tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9 vẫn còn văng vẳng trong tâm trí tôi đến ngày hôm nay – một trong những điểm dừng chân trong chuyến hành trình “Công lý và Trái tim” với chủ đề “Tri ân miền đất lửa” về với chiến trường xưa tại 4 tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh – Nghệ An của những người làm Báo Công lý – Tòa án nhân dân tối cao.
Mang theo kinh nghiệm, bản lĩnh, sự nhiệt huyết và sức trẻ về với ngôi nhà mới Báo Công lý, thấu hiểu được những nỗi đau mà chiến tranh để lại vẫn luôn âm ỉ, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Trần Đức Vinh đã thổi bùng ngọn lửa của ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong chúng tôi bằng việc khởi xướng và dẫn đầu chuyến hành hương mang đầy ý nghĩa nhân văn này.
Cuộc hành trình về với những địa danh anh linh, nơi yên nghỉ của những người con ưu tú của Tổ quốc lần này đã đem lại nhiều kỷ niệm và những cảm xúc đặc biệt! Bởi đây cũng là chuyến đi đầu có tiên có số người lên đến con số 60 từ Ban Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, thậm chí cả những cán bộ, phóng viên vùng miền cũng tề tựu tham gia.
Được tham gia, tôi – một phóng viên trẻ như các đồng nghiệp khác trong Đoàn, mỗi người đều mang một tâm trạng háo hức. Có thể “Tôi lớn lên, khi đất nước không còn chia Bắc Nam, chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ còn lại trong những câu chuyện của cha…”, nay muốn tìm hiểu và được thực tế trở về nghe câu chuyện về những con người nơi đây trong thời kỳ máu lửa và chứng kiến những điều thiêng liêng, hào hùng đang còn lưu giữ tại dải đất miền Trung anh dũng.
Cuộc hành trình của chúng tôi kéo dài 4 ngày về với miền Trung thân yêu để thăm viếng, thắp hương, dâng hoa tri ân các Anh hùng đã nằm xuống nơi chiến trường. Đặc biệt, chuyến hành trình còn mang theo những phần quà ý nghĩa để trao tặng các gia đình chính sách, cán bộ TAND có hoàn cảnh khó khăn và xe đạp cho các em nhỏ.
Tổng Biên tập Trần Đức Vinh cho biết, hành trình “Công lý và Trái tim” về với miền Trung sẽ là hoạt động thường niên, lấy đó làm truyền thống của Báo Công lý nhằm thể hiện trách nhiệm xã hội, tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công đã cống hiến, hy sinh không tiếc máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phần nào xoa dịu những mất mát đối với các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Hành trình cũng là dịp để những người làm báo Công lý – Tiếng nói của hệ thống Tòa án nhân dân ngày càng say mê và nhiệt huyết với nghề, giống với tên gọi mà sứ mệnh của chuyến hành trình đã mang.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Nhắc đến địa điểm này, chúng ta nghĩ ngay đến tấm gương anh dũng hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong.
Trưa /7/1968 - cũng như mọi ngày, 10 cô gái thanh niên xung phong ra làm nhiệm vụ, sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải. 16h30 phút, trận bom thứ trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - nơi 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình.
Phóng viên Tuyết Hồng chia sẻ, khi nghe hướng dẫn viên kể về sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong, chị đã khóc. Rất nhiều phóng viên khác cũng không cầm được nước mắt khi xem tư liệu và thước phim tại Bảo tàng Đồng Lộc.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã ít nhất một lần được nghe đến địa danh "Thành cổ Quảng Trị", một cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc và gắn liền với cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6/1972 – 16/9/1972). Đây là biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.
Mỗi một nhành cây, ngọn cỏ tại Thành cổ Quảng Trị là tượng trưng cho tâm hồn của mỗi người lính, họ đã không tiếc máu xương của mình để cho dòng sông Thạch Hãn hôm nay chảy êm đềm. Ngày nay, nơi đây đã trở thành một công viên văn hoá cho thế hệ trẻ Quảng Trị và cả nước.
"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"
(Lê Bá Dương)
Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn đã đi vào thơ ca như những trang sử bi tráng thấm đượm máu và hoa. Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, bến sông Thạch Hãn trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm oanh liệt đã đón nhận hàng vạn chiến sỹ quân giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành Cổ, làm nên trang sử vàng bất khuất của dân tộc.
Chuyến đi nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 tiếp tục đưa chúng tôi đến giữa mênh mông đại ngàn, vi vu tiếng gió. Đó là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 - nơi an nghỉ của hơn 20.000 liệt sĩ - các Anh hùng liệt sĩ đã từng chiến đấu trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và trên mặt trận Đường 9, trên đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có chiến sỹ vừa được bổ sung vào, chưa kịp biết tên, quê quán của nhau đã hy sinh. Họ đã chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Mặc dù đã mường tượng trước trong ý nghĩ nhưng tôi vẫn thấy thắt lòng bởi bạt ngàn những ngôi mộ chưa có thông tin tại đây….
Đứng giữa hàng nghìn ngôi mộ ghi “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” của Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Tổng Biên tập Trần Đức Vinh chia sẻ với tôi: “Đây là lần thứ 12 anh trở về những nơi này, cảm giác vừa mới vừa thân quen. Lần nào cũng vậy, những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra luôn trào dâng xen lẫn niềm tự hào, kính phục các Anh hùng liệt sĩ”.
Tổng Biên tập Trần Đức Vinh kể lại với thành viên trong đoàn một câu chuyện chẳng khác nào huyền thoại. Kỷ niệm về một lần về viếng thăm các Anh hùng liệt sỹ, khi đang thắp hương anh bắt gặp trên một lư hương bằng đá mọc lên một bụi cây xanh tốt, đầy sức sống…Đáng nói, nó vươn mình lên kiêu hãnh giữa cái nắng nóng như thiêu đốt và khói hương nghi ngút.
“Không có vinh hạnh chứng kiến nhưng chúng tôi tin, niềm tin mãnh liệt như năm nào, những chiến sỹ, những người anh hùng ngã xuống nơi đây đã có niềm tin mãnh liệt về một ngày toàn thắng… Giờ đây, Trường Sơn đã đón nhận bước chân của người dân cả nước hàng ngày đến tri ân, đã xanh bạt ngàn với sức sống mãnh liệt mãi mãi là biểu trưng của một dân tộc anh hùng”, Trưởng Ban Biên tập Bùi Xuân Thao bày tỏ.
Trên những triền dốc nho nhỏ, bóng rừng thông nghiêng mình phủ lên những bia mộ thẳng tắp. Cái có tên, cái không có… để những người mẹ, người vợ suốt một đời ngóng trông, chờ đợi? Vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy được hài cốt, vẫn còn nằm rải rác ở đâu đó trên những cánh đồng, những khu rừng già, trên những triền sông triền suối, sườn núi nơi biên cương Tổ quốc...
Đến với nơi đây, thế hệ trẻ chúng tôi không chỉ nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng của những anh hùng áo vải. Họ đã chẳng tiếc máu xương để lập nên những thành lũy, những con đường, để bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những địa danh này còn nuôi dưỡng và phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, kiên trung, bất khuất vốn có của con những người miền Trung.
Bồi hồi và xúc động, phóng viên Hoàng Thảo bày tỏ: "Là một người trẻ may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, khi đặt chân tới đây, trong tôi dấy lên một cảm xúc khó tả… bi ai mà hùng tráng, xót xa mà cũng rất đỗi tự hào. Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại cũng mờ dần với thời gian. Nhưng những chiến công hiển hách, những hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt sỹ thì mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Đó là động lực để tuổi trẻ chúng tôi không ngừng vun đắp lý tưởng, sống có trách nhiệm hơn.
Hành trình tri ân đã thêm một lần nữa nhắc nhở tuổi trẻ chúng tôi hôm nay luôn trân trọng lịch sử, khắc sâu những tấm gương anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, từ đó không ngừng học tập, ra sức rèn đức luyện tài, chung sức, chung lòng, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu để xứng đáng là thế hệ thanh niên trong thời kỳ mới".
Cùng chung cảm xúc, phóng viên Bùi Anh cho biết: "Với những người trẻ như chúng tôi, tham gia hoạt động tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng còn là dịp soi lại mình, để sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh".
Trải qua chặng đường dài hơn 650 cây số về với miền Trung - “vùng đất lửa” lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã để lại cho mỗi thành viên trong đoàn những kỷ niệm sâu sắc và nhiều bài học bổ ích. Qua chuyến đi đầy ý nghĩa lần này, chúng tôi đã thực sự thấu hiểu được phần nào những mất mát, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước để cho chúng ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Và chúng tôi tự nhủ với lòng mình phải có trách nhiệm hơn, phấn đấu nhiều hơn trong công việc cầm bút mang nhiều ý nghĩa nhân văn này.
Cảm xúc về những ngày tháng 7 mãi mãi sẽ lắng đọng trong mỗi chúng tôi về sự hy sinh cao cả của các thế hệ. Cảm xúc đó chính là mạch nguồn ý nghĩa để những người làm Báo Công lý tiếp tục nối dài hành trình tri ân ý nghĩa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn giữa những giá trị văn hóa đan xen trong nhịp sống hiện đại ngày nay...
Chuyến hành trình “Tri ân miền đất lửa” đã khép lại với những trải nghiệm ý nghĩa, là động lực tiếp thêm niềm tự hào dân tộc, cháy lên khát khao được cống hiến cho đất nước và xã hội của toàn thể những người làm Báo Công lý nói riêng và của cán bộ, Thẩm phán, người lao động hệ thống Tòa án nhân dân nói chung.