Giao thông

Hoàn thiện báo cáo giám sát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Duy Tuấn 23/04/20 - 10:30

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 32, sáng 23/04, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Xử lý kiên quyết “nồng độ cồn”, xe quá tải trọng

Trình bày dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... trong đó đã tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

toi1.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm “nồng độ cồn”, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của Nhân dân; chậm khắc phục và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, xử lý các kiến nghị điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông;

Đoàn giám sát đặc biệt nhấn mạnh: “Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một phận người dân, người tham gia giao thông còn hạn chế, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa”. Nhiều phương tiện thay đổi kết cấu, nâng tải trọng hoặc quá niên hạn sử dụng nhưng chưa được phát hiện, công tác quản lý hậu đăng ký, đăng kiểm vẫn còn xem nhẹ. Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng.

Đoàn giám sát chỉ rõ, các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường bộ còn có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội và thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý giao thông đường bộ luôn có sự thay đổi, đôi khi gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc áp dụng, thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới kiến nghị, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật TTATGT đường bộ bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Rèn luyện ý thức, làm rõ tiêu cực trong đảm bảo TTATGT

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục tăng phân kỳ đầu tư hạ tầng giao thông đối với các tuyến cao tốc, theo tinh thần “bóc ngắn cắn dài, phân kỳ phải đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn giao thông”. Đồng thời, lưu ý đến việc đầu tư có hệ thống, từ hạ tầng đến trạm dừng nghỉ. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý, kiểm soát tải trọng xe.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan chức năng "tăng chế tài" đối với hành vi chống đối lực lượng thực thi công vụ về đảm bảo TTATGT.

phuong1.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đoàn giám sát đánh giá ý thức người tham gia giao thông. Vì có một bộ phận tham gia giao thông ý thức kém, sẵn sàng vượt đèn đỏ, sẵn sàng vi phạm. “Cũng con người ấy, ra nước ngoài lại chấp hành tốt quy định về đảm bảo TTATGT, nhưng ở trong nước vi phạm. Điều đó chứng tỏ việc xử lý không nghiêm. Đề nghị đưa việc giảng dạy TTATGT vào trường học từ sớm để rèn luyện ý thức của người tham giao thông từ nhỏ”, bà Nga nói.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị đoàn giám sát làm rõ tiêu cực trong lĩnh vực TTATGT đường bộ hiện nay. “Lâu nay, người dân phàn nàn tiêu cực của CSGT, TTGT, đăng kiểm…. đề nghị trong báo cáo giám sát, đánh giá, làm rõ còn tiêu cực của lực lượng đảm bảo ATGT hay không?”, bà Nga nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đoàn giám sát cần làm rõ việc thực hiện pháp luật về đảm bảo TTATGT theo thời gian, so sánh trước và sau khi có các luật điều chỉnh; từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, chi tiết cho phù hợp với đời sống người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đoàn giám sát bổ sung đánh giá tình hình tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT theo hướng “có tiến bộ ra sao và có kiến nghị gì để hoàn thiện hệ thống pháp luật, xử lý nghiêm túc vấn đề này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hon thiện báo cáo giám sát bảo đảm trật tự, an ton giao thng