Thông qua buổi chia sẻ “Lịch sử và thực trạng ngành thương mại TP.HCM”, học sinh được cập nhật nhiều thông tin về thương mại thành phố, gắn với cột cờ Thủ Ngữ, toà nhà quan thuế, kênh Tàu Hủ… và các giá trị văn minh, hiện đại như OCOP, ESG.
Ngày 14/5, tại trường THPT Ten Lơ Man (quận 1, TP.HCM) đã diễn ra buổi chia sẻ với chủ đề “Lịch sử và thực trạng ngành thương mại TP.HCM”.
Buổi chia sẻ nằm trong chương trình báo cáo chuyên đề thương mại TP.HCM do trường THPT Ten Lơ Man tổ chức nhằm bổ sung kiến thức về lịch sử văn hóa và quá trình phát triển của ngành thương mại tại Sài Gòn xưa, TP.HCM ngày nay đến các em học sinh.
TP.HCM với lịch sử hơn 300 năm, dân số hiện tại khoảng gần 9.5 triệu người, trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm hơn phân nửa số dân.
Văn hóa, tín ngưỡng, ẩm thực… của TP.HCM rất đa dạng vì là vùng hội lưu của ba miền Bắc - Trung - Nam, tiểu khu vực kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và là trung giao lưu văn hoá, kinh tế, giáo dục… trong và ngoài nước.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ nhấn mạnh, thương mại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Sài Gòn - TP.HCM.
Với vị trí địa lý thuận lợi, tiểu khu vực TP.HCM nằm ở trung tâm miền Nam Việt Nam và gần các cảng biển quốc tế, Sài Gòn đã trở thành trung tâm giao thương quốc tế và kinh tế lớn nhất.
Sài Gòn vốn dĩ rất nổi tiếng với các khu chợ truyền thống, hiện có khoảng 263 chợ các loại, 167 dân sinh, 3 chợ đầu mối.
Chợ Bến Thành và Chợ Bình Tây được xem là điểm đến du lịch mang lại cho du khách trong và ngoài nước nhiều khám phá và trải nghiệm thú vị.
Ngoài ra, trong lịch sử siêu thị tại thành phố, siêu thị Nguyễn Du là siêu thị đầu tiên của Saigon khai trương vào ngày 16/10/1967 tại địa chỉ số 33 đường Nguyễn Du, (góc đường Nguyễn Du – Chu Mạnh Trinh). Đến nay đã có trên 283 trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, mang đến cho người dân và du khách nhiều tiện lợi trong mua sắm.
Với hơn 20 năm nghiên cứu kinh tế - văn hóa, diễn giả Hồ Nhựt Quang đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị và bổ ích về ngành thương mại tại TP.HCM từ thời sơ khai cho đến thời điểm phát triển mạnh mẽ, trở thành đầu tàu kinh tế cả nước như hiện nay.
Trong đó, học sinh được tìm hiểu về hai nguồn tài nguyên chính góp phần xây dựng nền tảng và thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn.
Song song đó, các em nhận ra những lợi thế và thách thức khó khăn của ngành thương mại, dịch vụ của thành phố trong thời kỳ mới, đặc biệt là hậu Covid-19.
Thông qua buổi chia sẻ, học sinh đã được cập nhật nhiều thông tin quý báu liên quan thương mại của thành phố, không chỉ là chuyện đời xưa với cột cờ Thủ Ngữ, toà nhà quan thuế, kênh Tàu Hủ…, mà còn là giá trị văn minh, hiện đại như OCOP, ESG, phát triển bền vững.
"Đây là hình thức gieo hạt lối sống xanh để các em học sinh trở thành công dân toàn cầu trong tương lai, vừa hấp thụ tinh hoa truyền thống dân tộc nhưng cũng vừa thấm nhuần giá trị văn minh hiện đại, hiểu được vì sao làm kinh tế, thương mại phải gắn liền lợi ích chung cho cộng đồng và bảo vệ môi trường”, thầy Lê Bá Khoa, Trợ lý Thanh niên, Ban Chấp hành Đoàn trường THPT Ten Lơ Man bày tỏ.
Giai đoạn hiện nay, bên cạnh những giá trị xưa cũ, TP.HCM đang dần mở sang trang mới với sức mạnh công nghệ và tư duy sống xanh, góp phần hội nhập thương mại quốc tế.
Năm bản lề 20, theo nhiều nguồn số liệu và tư liệu thống kê, TP.HCM đứng vị trí số 1 về trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,75 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 4,95 tỷ USD. Như vậy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt 8,5 tỷ USD, bằng 13% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại dịch vụ năm 2023 ước đạt 1.190.407,3 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022.
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện, được công bố vào đầu tháng 4/20 cho thấy, TP.HCM tiếp tục đứng đầu cả nước về tiêu chí là địa phương được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm nơi sinh sống.