Thông tin có hàng nghìn cú sét đánh xuống đất ở Hà Nội và các tỉnh lân cận khiến nhiều người quan tâm, chú ý. Tuy nhiên, chuyên gia Trung tâm Mạng lưới khí tượng thuỷ văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng đây là hiện tượng bình thường.
Như đã thông tin, theo số liệu thống kê của Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dông sét xuất hiện ở miền Bắc từ đêm qua đến sáng nay, trong đó xuất hiện nhiều nhất từ khoảng 5h sáng đến 8h30 với hàng nghìn lần sét đánh xuống mặt đất ở khu vực Hà Nội và các địa phương lân cận Hưng Yên, Hà Nam. Tính từ 6 giờ đến 9 giờ sáng ngày 5/6, có tổng cộng 10.2 cú sét đánh xuống Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Cũng theo Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 7h đến 8 giờ (thời điểm nhiều dông sét nhất) có tới 2.855 cú sét. Chia trung bình ra 10 phút có 475 cú sét đánh xuống đất tại khu vực Hà Nội và vùng lân cận. Có thời điểm trong 1 giây có tới 10 cú sét được ghi nhận (lúc 8 giờ 25 phút 47 giây).
Lý giải hiện tượng trên, ông Nguyễn Đức Phương - Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thuỷ văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay mạng lưới định vị sét của Việt Nam có 18 trạm định vị sét. Các mạng lưới định vị sét này được kết nối với hệ thống định vị sét quốc tế.
Mạng lưới định vị sét của nước ta hiện nay được thiết kế để phát hiện, định vị, phân tích, hiển thị, lưu trữ và phân phối số liệu theo thời gian thực các sự kiện sét trong mây và xuống mặt đất (CG) và trong mây (IC). Với mạng lưới các đầu đo hiện tại thì khoảng cách mà các đầu đo có thể phát hiện được sét trong dải từ 400-600km.
Ngoài khu vực đất liền của Việt Nam thì các trạm định vị sét có thể phát hiện cả sét trên biển và khu vực gần biên giới của các nước lân cận Việt Nam.
“Với một khoảng không gian rộng như trên thì việc thống kê được 400 cú sét đánh xuống đất trong vòng 10 phút là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu thống kê cho khu vực, thì chúng ta cần chọn khu vực (theo kinh vĩ độ) để xác định số lượng sét xảy ra tại khu vực đó trong khoảng thời gian nhất định”, ông Phương cho hay.
Ông Phương cho rằng, nếu so sánh với các khu vực khác việc sét đánh 475 cú/10 phút là hoàn toàn bình thường, không có yếu tố bất thường.
Ông Phương cho biết thêm, hiện Trung tâm Mạng lưới KTTVQG đang vận hành hệ thống mạng lưới phát hiện, định vị, sét hiển thị website hymetnet.gov.vn. Trang web này có thể thực hiện việc theo dõi liên tục các thông tin về sét và rada thời tiết. Vì vậy, người dân có thể theo dõi các cảnh báo nguy cơ sét trên trang web và các vùng cảnh báo phản hồi vô tuyến mây của rada thời tiết để có thể phòng, tránh các rủi ro do dông, sét gây ra.
Thông tin từ Viện Vật lý địa cầu cho biết, sét là hiện tượng ngẫu nhiên cho nên không có vị trí an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên việc chủ động đề phòng tránh sét tìm nơi an toàn hơn có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh.
Theo đó, khi trời sắp xảy ra dông, thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là toà nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét (đơn giản nhất là cột thu lôi Franklin). Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắp các thiết bị điện trước lúc có dông gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Vô tuyến nối với dây anten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có dông.
Trong tình huống cảm thấy tóc bị dựng lên, như cảm giác sờ tay vào trước mặt ti vi thì có nghĩa là bạn có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lúc này, cần lập tức ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hoặc đặt tay lên đất. Nếu người bị sét đánh ngất phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp, trợ tim nhân tạo, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống...