Ngày 23/3/20, triển lãm “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm của 6 họa sĩ bao gồm: Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Văn Trinh, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Đình Sơn.
Triển lãm “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” diễn ra từ ngày 23/3 đến ngày 31/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là triển lãm được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật Vân Vi với hơn 100 tác phẩm được sắp xếp trưng bày theo sáu khu vực riêng biệt, mang đậm phong cách và dấu ấn cá nhân của từng họa sĩ, gồm các tác phẩm tranh sơn mài, tranh sơn dầu, tranh lụa. Buổi triển lãm được tổ chức bởi đơn vị The Muse Artspace.
Qua các tác phẩm, người xem cảm nhận được dòng chảy năng lượng của nghệ thuật chính là dòng chảy của sự vận động sáng tạo, đổi mới không ngừng. Các hoạ sỹ: Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Văn Trinh, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Đình Sơn đều có một điểm chung là họ đã sống hết mình vì sự đổi thay tại các khía cạnh khác nhau trong cuộc đời mỗi người, hoặc là thay đổi cuộc sống cá nhân để đến bằng được với con đường nghệ thuật, hoặc là dành một đời đam mê nghiên cứu vì mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đời sống văn hóa, hoặc là vặn mình tìm tòi sáng tạo để đi sâu hơn vào khám phá những giá trị truyền thống nền tảng để kết nối và phát triển với thế giới nghệ thuật đương đại.
Là tác giả của chùm tác phẩm thể hiện nhiều khía cạnh khám phá khác nhau trên sơn mài, họa sĩ Triệu Khắc Tiến là tiến sĩ về thực hành mỹ thuật chuyên ngành sơn mài duy nhất tại Việt Nam.
Không chỉ mang các màu sắc son, vàng và then đến từ chất liệu sơn mài truyền thống, bức tranh "Đêm cổ tích" được đang được trưng bày của lại mang màu sắc siêu thực huyền ảo trong khi vẫn thể hiện được độ sâu và lộng lẫy vốn có của tranh sơn mài.
Chia sẻ về tác phẩm “Đêm cổ tích”, họa sĩ Triệu Khắc Tiến nói: “Bức tranh có kết cấu theo chiều dài, hoặc còn gọi là panorama. Mặc dù chất liệu tạo nên tranh vẫn hoàn toàn truyền thống như người ta hay nói về sơn mài Việt Nam là “đẹp vàng son”, với 3 màu chính: màu son (đỏ) nổi trội, màu vàng thật, màu đen là màu của sơn truyền thống. Nhưng tôi muốn dựa trên cơ sở truyền thống ấy để phát triển thành một tạo hình mới, mang hơi thở mới và sự chuyển hóa cho chất liệu sơn mài truyền thống. Nhìn vào bức tranh “Đêm cổ tích” các bạn cũng sẽ nhìn thấy nhịp điệu, tiết tấu tranh biến chuyển liên hồi. Vẫn các mô-típ truyền thống như “Đám cưới chuột” của tranh dân gian Đông Hồ và cá chép từ “Lý ngư vọng nguyệt” trong tranh Hàng Trống, nhưng khi đặt vào các bối cảnh, không gian mới thì lại mang tính hiện đại.”
Dành cả ngày thứ bảy cuối tuần để thưởng thức các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, anh Quang Duy nói: “Tôi không phải là 1 người thưởng tranh chuyên nghiệp, nhưng tôi có thói quen tìm kiếm nghệ thuật tổng hợp cho những cảm xúc và những thời điểm nhất định để tôi có thêm cảm hứng cho những dự án sắp tới. Hiện tại, tôi đang tìm kiếm sự tổng hợp màu sắc đặc biệt nhất với tôi để cảm nhận và chiêm nghiệm.Tôi khá ấn tượng với tác phẩm Cây Săn Mồi của hoạ sĩ Nguyễn Văn Trinh. Cá nhân tôi không chuộng màu đỏ, nhưng riêng tác phẩm đó lại mang đến cho tôi cảm giác gần nhất với cảm xúc và tâm trạng hiện tại, tôi khá tâm đắc vì những cảm xúc mãnh liệt mà bức tranh này mang đến cho tôi”.
Triển lãm “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” đã truyền tải tình yêu và sự trân quý những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng của những người hoạ sĩ: Mong muốn thông qua các tác phẩm mỹ thuật, buổi triển lãm sẽ tạo nên chốn dừng chân, tạo nên điểm nghỉ cho những tâm hồn yêu cái đẹp giữa những tấp nập, vội vã của cuộc sống hàng ngày.