Trải qua 51 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm đã khẳng định được vai trò, vị trí trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân.
Được ra đời trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, gặp nhiều khó khăn, ban đầu mới có 3 tỉnh thành lập lực lượng là Tuyên Quang, Yên Bái và Vĩnh Phú, nhưng chỉ 1 năm sau lực lượng Kiểm lâm đã được thành lập tại hầu hết các tỉnh miền Bắc.
Giai đoạn từ năm 1973-1979, tổ chức Kiểm lâm thực hiện theo Nghị định số 101/CP ngày 21/5/1973 của Chính phủ; hệ thống được tổ chức theo ngành dọc, Cục Kiểm Lâm trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp; Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Cục Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm cấp huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh.
Giai đoạn từ 1980-1994, tổ chức Kiểm lâm thực hiện theo Nghị định số 368/CP ngày 8/10/1979 của Chính phủ, Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN&PTNT); Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Ty Lâm nghiệp (nay là Sở NN&PTNT), Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban Nông Lâm nghiệp huyện (nay là Phòng NN&PTNT).
Giai đoạn từ năm 1994-2006, tổ chức Kiểm lâm thực hiện theo Nghị định số 39/CP ngày 18/5/1994 của Chính phủ, Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN&PTNT), Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND cấp tỉnh, Hạt Kiểm lâm cấp huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.
Giai đoạn từ 2007 đến nay, tổ chức Kiểm lâm thực hiện theo Nghị định 119/2006/NĐ-CP và Nghị định 01/2019/NĐ-CP, Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ NN&PTNT (từ tháng 10/2010-4/2023 trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp); Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở NN&PTNT, Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.
Từ 3 tỉnh thành lập ban đầu, với biên chế vài chục người, đến nay tổ chức Kiểm lâm được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Toàn quốc có 62 Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, 4 Chi cục Kiểm lâm vùng, 440 Hạt Kiểm lâm cấp huyện; 52 Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ; biên chế tổng cộng 11.052 người, với trên 80% có trình độ đại học, trên đại học.
Với chặng đường đã trải qua 51 năm xây dựng và phát triển (21/5/1973 - 21/5/20), lực lượng Kiểm lâm đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, lực lượng Kiểm lâm luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; trực tiếp là Bộ NN-PTNT và chính quyền các cấp; sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân; lực lượng Kiểm lâm đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành cả về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong suốt 51 năm qua, từ những cánh rừng miền Tây Bắc quanh năm mây phủ cho đến các khu rừng ven biển Cà Mau, dấu chân của lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị bảo vệ rừng đã in khắp mọi nơi, không ngừng trong bốn mùa mưa nắng.
Lực lượng Kiểm lâm đã không ngừng rèn luyện và phấn đấu, trưởng thành vượt bậc cả về phẩm chất đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Qua đó, họ đã khẳng định vai trò và vị trí quan trọng trong công cuộc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của đất nước.
Hiện nay, cả thế giới đang ngày càng tôn vinh rừng và đa dạng sinh học, cùng những nỗ lực chống chọi với biến đổi khí hậu, thì lực lượng kiểm lâm càng cần được quan tâm và trân trọng hơn nữa.
Đặc biệt trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng). Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng.
Diện tích rừng tăng đều qua các năm, đưa độ che phủ rừng từ 28% (năm 1993) lên 42,02% (năm 2023). Giá trị kinh tế ngành lâm nghiệp ngày càng cao và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế đất nước; giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 đạt 17,1 tỷ USD chiếm 30% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt giá trị xuất siêu đạt trên 14 tỷ USD.
Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hoàn thiện. Luật Lâm nghiệp 2017 và nhiều văn bản dưới luật khác, cùng với cơ chế chính sách được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản đã có nhiều tiến bộ, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mang lại kết quả rõ ràng trên thực tiễn. Tỷ lệ che phủ rừng tăng đều qua các năm, đạt và giữ vững ở 42% như hiện nay.
Tình trạng vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng đã giảm rõ rệt, năm sau giảm so với năm trước cả về số vụ vi phạm cũng như quy mô, tính chất, mức độ thiệt hại.
Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm đã làm tốt vai trò tham mưu cho chính quyền các cấp và phối hợp với các lực lượng có liên quan như: Công an, quân đội, dân quân tự vệ và Nhân dân các địa phương thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng, đặc biệt là tại các khu vực rừng trọng điểm.
Tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng; tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy rừng cho lực lượng bảo vệ rừng cơ sở. Đến nay, tình trạng cháy rừng được kiểm soát hiệu quả.
Trong công tác phát triển rừng, lực lượng Kiểm lâm đã có nhiều đóng góp, nhất là trong 10 năm trở lại đây, lực lượng Kiểm lâm đã trực tiếp chỉ đạo, phối hợp triển khai hiệu quả công tác phát triển rừng theo các chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, góp phần đáng kể vào thành công của ngành lâm nghiệp.
Đặc biệt, lực lượng Kiểm lâm đã đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần duy trì, gìn giữ được nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và duy trì hệ thống các khu rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất trên phạm vi cả nước.
Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam, với bề dày lịch sử và những đóng góp quan trọng, tiếp tục ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.