Nhận thức đúng quyền tự do ngn luận, tự do báo chí khng chỉ vì quyền cá nhân m trước hết phải vì sự ổn định chính trị, vì lợi ích của đất nước, dân tộc.
Tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật
Điều 4 Luật Báo chí của Việt Nam quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”.
Tuy nhiên, nhận thức đúng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mỗi người - không chỉ vì quyền cá nhân mà trước hết phải vì lợi ích của xã hội, vì sự ổn định chính trị, bảo vệ những giá trị dân tộc và bản sắc văn hóa Việt Nam. TS. Cao Đức Thái, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người cho rằng: Việc Nhà nước ta trong khi quy định tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng “không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”, không chỉ thuộc thẩm quyền của một quốc gia độc lập, có chủ quyền theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật quốc tế về quyền con người, mà còn phù hợp với tình hình chính trị - xã hội trên thế giới hiện nay.
Thực tế những năm qua, báo chí có những bước phát triển và đóng góp đáng kể trong việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển dân chủ XHCN và bản sắc văn hóa dân tộc. Song, bên cạnh đó, hoạt động của báo chí cũng còn nhiều bất cập. Hiện tượng báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, chạy theo thị hiếu tầm thường vì lợi nhuận khá phổ biến. Một số cơ quan báo chí đăng, phát các thông tin nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm phương hại đến lợi ích đất nước. Không ít cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật do tiếp nhận thông tin, đơn, thư khiếu nại, tố cáo hoặc khai thác thông tin từ truyền thông xã hội nhưng bỏ qua khâu thẩm định, xác minh dẫn đến thông tin sai sự thật, xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín tổ chức, danh dự cá nhân.
Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trên là do một bộ phận cán bộ, phóng viên, biên tập viên hạn chế về năng lực chuyên môn, tư duy chính trị, thiếu tinh thần trách nhiệm nên không nghiêm túc trong việc quán triệt, tuân thủ sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền; thậm chí có người phai nhạt lý tưởng dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Để chấn chỉnh những bất cập trong quản lý và hoạt động báo chí; đồng thời, nhằm tạo cơ sở cho báo chí phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại trong bối cảnh hội nhập, Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI) đã thông qua Đề án “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025”. Quan điểm của Đảng ta trên lĩnh vực này là: Phát triển báo chí theo hướng “cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân”. Báo chí cần góp phần “tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,… tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam”. Cơ quan báo chí cần “bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí…”. Đó là điều tất nhiên đối với báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Báo chí đề cao trách nhiệm xã hội, vì lợi ích nhân dân và đất nước
Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng "Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước", báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện và cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới. Đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các giới đồng bào. Kịp thời phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những thói hư tật xấu trong xã hội; phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực phản động, thù địch, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Tại Đại hội này, Tổng Bí thư nhấn mạnh, người làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng dư luận...; kiên quyết loại bỏ những tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm, đời sống xã hội; đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin.
Báo chí phải là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần những âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Trong tình hình hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam cần giữ vững và phát huy hơn nữa bản chất cách mạng, là công cụ tư tưởng, văn hóa của Đảng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Báo chí hoạt động theo định hướng của Đảng, tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta; phát huy tính tiên phong của báo chí trong việc tập hợp, đoàn kết, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.
Yêu cầu khách quan đó đòi hỏi công tác báo chí phải hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tiếp tục sự nghiệp đổi mới. Báo chí chủ động, tích cực tham gia đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, lý luận; đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Báo chí cần tỉnh táo, thận trọng trong xử lý thông tin, có sự nhạy cảm chính trị tốt trước những thông tin xấu, độc, tác động tiêu cực đến nhận thức và dư luận xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, báo chí là công cụ tuyên truyền bảo vệ lợi ích của dân tộc, của nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nạn suy thoái đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Thủ tướng yêu cầu, mỗi nhà báo thực hiện đúng lời dạy của Bác, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mỗi người làm báo đề cao trách nhiệm và sứ mệnh của mình đối với xã hội, nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.