Tổ chức, cá nhân muốn lập bãi đỗ xe phải đăng ký; trường hợp tự ý lập bãi đỗ xe sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, phạt tới 40 triệu đồng đối với tổ chức
Hỏi: Vài ngày trước tôi có chở khách đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám bệnh, trong lúc chờ khách khám bệnh tôi đã gửi xe ở vỉa hè gần bệnh viện với giá là 50 nghìn đồng cho một giờ. Sang giờ thứ hai được khoảng 10 phút tôi mới bắt đầu di chuyển thì người coi xe yêu cầu tôi phải trả thêm 50 nghìn đồng nữa. Tôi thấy vô lý nên không trả, nên đã bị người coi xe lấy khóa dây ra khóa bánh xe của tôi lại. Tôi rất bức xúc về vấn đề trên, vậy tôi muốn hỏi quy định của pháp luật về kinh doanh của bãi đỗ cụ thể ra sao, việc khóa bánh xe có vi phạm pháp luật không?
Độc giả Nguyễn Thị Liễu
Trả lời: Về vấn đề này, Luật gia Tống Hữu Huy – Văn phòng luật sư Interla tư vấn các quy định của pháp luật như sau:
Thứ nhất, tổ chức, cá nhân lập bãi đỗ xe phải đăng ký kinh doanh
Khoản 2 Điều 55 Nghị định 12/2020/NĐ-CP quy định về nội dung kinh doanh của bãi đỗ xe gồm: Dịch vụ trông giữ phương tiện; Tổ chức các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; Kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bãi trông, giữ xe cần phải đảm bảo yêu cầu về an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường; Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân phải đấu giá quyền khai thác kết cấu hạ tầng thuộc tài sản công để làm bãi đỗ xe
Theo Điều 80, Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, vỉa hè là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và là tải sản công do nhà nước quản lý. Các Điều 82, 83, 84 Luật Quản lý sử dụng tài sản công cũng quy định việc cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Hình minh họa
Khoản 6 Điều 13 Nghị định 33/2019 của Chính phủ quy định về việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: "Căn cứ Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức đấu giá để lựa chọn doanh nghiệp thuê quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá và ký Hợp đồng cho thuê quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật".
Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện về năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật chuyên ngành giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan".
Như vậy, có thể hiểu việc sử dụng vỉa hè (tài sản công) vào mục đích kinh doanh có thu phí phải thông qua đấu giá quyền khai thác.
Thứ ba, quy định về giá dịch vụ trông giữ xe tại Hà Nội:
Theo Quyết định số 44/2017/ QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, giá gửi xe ban ngày và ban đêm lần lượt với xe đạp 3.000-5.000đ, xe máy là 5.000-8.000đ/lượt. Với xe ôtô, giá dao động 10.000-30.000đ/lượt (tính từ ngoại thành đến nội thành), 1 lượt tối đa không quá 60 phút...
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Việc tự ý lập bãi đỗ xe sẽ bị phạt tiền từ -20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng hoặc thành lập bãi đỗ xe buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Như vậy, tổ chức, cá nhân muốn lập bãi đỗ xe phải đăng ký; trường hợp tự ý lập bãi đỗ xe sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, phạt tới 40 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, buộc phải tháo dỡ, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi.
Thứ tư, đối với hành vi khóa xe của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 20 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.