Phóng sự - Ghi chép

Lặng lẽ viết lại tên anh

Trang Việt 19/07/20 - 14:45

Thấp thoáng giữa Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 rộng mênh mông, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ nhỏ bé đang cặm cụi bên những ngôi mộ của các Liệt sĩ. Với cây bút trên tay, chị không sợ nắng, chẳng ngại mưa để ngày ngày tô vẽ với ước nguyện tên các anh hùng không bị phai mờ theo năm tháng.

a1(1).jpg
Các Đoàn viên Thanh niên của Báo Công lý thắp hương tưởng nhớ tri ân các anh hùng Liệt sĩ.

Quảng Trị tháng 7 nắng như “đổ lửa”. Đất đá, cỏ cây bạc phơ phếch. Đó là chưa kể gió Lào thốc thổi suốt ngày đêm. Đến với vùng đất nằm ven bờ sông Bến Hải vào những ngày này, người ta mới thấy được sự khốc liệt của thời tiết.

Tuy nắng nóng là vậy, bỏng rát là thế, nhưng cứ mỗi độ tháng 7 đến, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc vẫn tấp nập tìm về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, thắp lên nén tâm nhang để tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đến những Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Những đoàn người nối tiếp nhau tới nghĩa trang, thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ những bông hoa, nén nhang thơm, để mùi hương được quẩn quanh bên những tấm bia, rồi cuộn lại như những đám mây tỏa khắp núi rừng. Cứ thế, người đến rồi lại đi, bên các anh chỉ còn những con người nhỏ bé vẫn ngày ngày tần tảo “vùi mình trong nắng”, để tô những nét chữ thân thương trên những tấm bia đang dần phai mờ trong nắng gió.

img_5716(1).jpg
Đoàn công tác của Báo Công lý do đồng chí Trần Đức Vinh - Bí thư Chi bộ, Tông Biên tập làm Trưởng đoàn dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Quẩn quanh bên những ngôi mộ của các anh, chị Cao Thị Huyền (ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) kể cho tôi nghe về công việc mà chị đang làm.

“Ngày nào cũng vậy, bất kể thời tiết có thay đổi thất thường, dù nắng hay mưa, cứ như mặc định với thời gian, từ tờ mờ sáng là tôi lại cùng chiếc xe máy của mình tiếp tục trong hành trình “làm đẹp lại tên các anh”, chị Huyền nói.

Với khoảng cách gần 40 km, chị phải đi mất hơn 1 giờ đồng hồ mới lên tới Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 để thực hiện công việc của mình. Đồ nghề của chị chỉ đơn giản là những cây bút lông, hộp sơn đỏ và mấy dụng cụ để làm sạch trước khi tô lại chữ như: con dao nhỏ, cái chổi cùn tự chế… Bàn tay nhuần nhuyễn của chị đưa đến đâu là tên tuổi, thông tin về những anh hùng liệt sĩ lại được đỏ tươi rực rỡ, sáng bừng lên như muốn ngạo nghễ với thời gian.

Nhóm của chị Huyền làm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 gồm có 7 người cả nam và nữ, người lớn tuổi năm nay gần 50, còn người nhỏ thì chưa tới 30. Chị Huyền sinh năm 1988, nhưng chị cũng có gần chục năm làm công việc tại nghĩa trang.

Tuy rằng công việc không nặng nhọc, không cần phải học vấn hay kiến thức cao, nhưng công việc tô chữ này lại cần sự kiên trì, cần mẫn và nhất là phải có sự chịu đựng khi thời tiết khắc nghiệt, thay đổi thất thường.

“Với mức phụ cấp ít ỏi (chưa tới 300 nghìn/1 ngày), thời gian đầu cũng nản lắm, còn muốn đi tìm công việc khác, nhưng mỗi lần muốn nghỉ lại cứ như có sức mạnh bí ẩn nào đó thôi thúc, níu kéo mình lại để làm, rồi cứ làm riết lại thành quen và yêu luôn cái công việc này. Thoắt cái cũng gần chục năm rồi, ngày ngày ở bên, làm bạn cùng các anh tôi thấy mình rất là vui, nhất là mỗi lần làm xong một tấm bia, nhìn tên các anh được rõ nét, tươi mới hơn thì mình lại lấy đó là động lực để làm tiếp. Chẳng phải tâm linh, nhưng có lẽ đây là cái duyên của tôi với các anh”, chị Huyền tâm sự.

a1-2-.jpg
Chị Cao Thị Huyền đang làm sạch và viết tại tên của những Liệt sĩ bị phai mờ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Được biết, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 nằm bên cạnh Quốc lộ 9, cách trung tâm thành phố Đông Hà (Quảng Trị) khoảng 6km về phía Tây. Đây là nơi yên nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 có diện tích hơn 13 ha, quy tụ hơn 10.300 phần mộ liệt sĩ. Trong đó, hơn 3.000 mộ liệt sĩ đã xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.

Cứ như thế, ngày lại ngày, đoàn người nối tiếp nhau cứ đến rồi đi, chỉ còn lại giữa nghĩa trang mênh mông, bên hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ là những bóng hình nhỏ bé như chị Huyền và những người bạn đồng hành, hàng ngày vẫn luôn cặm cụi như những chú ong “vùi mình trong nắng lửa” để tô lại tên cho những anh hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lặng lẽ viết lại tên anh