Sáng 16/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phng chống tham nhũng, đã đến thăm, lm việc với cán bộ chủ chốt Thanh tra Chính phủ.
Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, từ năm 2011-2014, ngành Thanh tra đã có nhiều cố gắng, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác thanh tra đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng được dư luận quan tâm, góp phần phát hiện, phòng ngừa, xử lý vi phạm, thúc đẩy và chấn chỉnh quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực. Toàn ngành đã triển khai trên 34.500 cuộc thanh tra hành chính và gần 477.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, trong đó đã kiến nghị thu hồi gần 111.800 tỷ đồng, trên 18.700 ha đất, xử phạt hành chính gần 27.500 tỷ đồng, đã kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 269 vụ.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có tiến bộ rõ rệt. Ngành đã giúp các cơ quan hành chính tiếp trên 1.568.000 lượt công dân, tiếp nhận gần 455.900 đơn khiếu nại, tố cáo, giải quyết gần 191.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho công dân 1.985 tỷ đồng, gần 900 ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính gần 2.400 người, chuyển cơ quan điều tra 41 vụ. Công tác phòng chống tham nhũng từng bước tạo được niềm tin trong nhân dân, công tác xây dựng thể chế được chú trọng hơn, công tác xây dựng Đảng, xây dựng nội bộ được tập trung thực hiện bài bản, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương được nâng lên.
Quang cảnh buổi làm việc
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Việc thực hiện Luật Thanh tra có lúc chưa toàn diện, thời gian kết luận thanh tra một số cuộc còn kéo dài, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít so với số vụ vi phạm, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao, hiệu quả thanh tra trách nhiệm còn thấp.
Thanh tra Chính phủ đề nghị có chủ trương sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng nâng cao tính hệ thống của ngành thanh tra, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm, tính tập trung, thống nhất trong chỉ đạo điều hành hoạt động thanh tra và xử lý kết quả thanh tra, mối quan hệ giữa thanh tra với các thiết chế kiểm tra, kiểm toán... Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định đầy đủ về công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thanh tra là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, góp phần đấu tranh bảo vệ cơ chế chính sách, chống những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng trong bộ máy quản lý kinh tế - xã hội, cũng như trong xã hội, bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhưng đây cũng là lĩnh vực hết sức khó khăn phức tạp vì đụng chạm đến con người, cơ chế chính sách... Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Bác Hồ đã có ngay một sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, tồn tại đến bây giờ với một bề dày truyền thống.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày Báo cáo kết quả công tác của ngành Thanh tra.
Trong quá trình phát triển 70 năm qua, ngành thanh tra đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động của ngành thanh tra tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đạt nhiều thành tích đáng khích lệ, có bước tiến rõ rệt, vừa chăm lo công tác vừa quan tâm xây dựng nội bộ. Toàn ngành đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, góp phần ngăn ngừa tiêu cực, thúc đẩy chấn chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, làm việc có trọng tâm trọng điểm, bài bản hơn, phối hợp với các ngành tương đối nhịp nhàng.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân có nhiều tiến bộ, đã giải quyết được nhiều vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định chính trị xã hội. Công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến tích cực. Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành thanh tra đã quan tâm thực hiện cả trong việc xây dựng thể chế, cơ chế, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, cũng như phát hiện, điều tra xét xử, tiến hành kiên quyết, bài bản hơn, đạt kết quả rõ rệt hơn, bước đầu tạo niềm tin trong nhân dân. Công tác xây dựng ngành, xây dựng nội bộ được chú trọng thực hiện, tạo được chuyển biến bước đầu. Thông qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, ngành thanh tra đã từng bước chấn chỉnh được những khuyết điểm, hạn chế, đã tích cực, khẩn trương giải quyết một số tồn đọng.
Tổng Bí thư hoan nghênh, biểu dương những nỗ lực cố gắng và kết quả đạt được trên các lĩnh vực công tác của ngành thanh tra. Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý hoạt động thanh tra vẫn còn những tồn tại hạn chế như báo cáo đã chỉ ra rất thẳng thắn, với tinh thần tự phê bình và phê bình cao. Mặc dù toàn ngành đã có nhiều cố gắng nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ, còn nhiều việc phải làm. Tình hình đất nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, trong đó những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác xây dựng Đảng, tình trạng vi phạm pháp luật, kỷ luật, tham nhũng tiêu cực, tình hình khiếu nại tố cáo còn dai dẳng, phức tạp, cũng đang là một thách thức, liên quan trực tiếp đến hoạt động của ngành.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, toàn ngành Thanh tra cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn tình hình hiện nay, thấy rõ chức năng nhiệm vụ của mình, để quyết tâm cao hơn nữa, phát huy những ưu điểm, những kết quả đã đạt được và khắc phục cho được những hạn chế tồn tại, nâng cao hơn vai trò, thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ, để thực sự là công cụ hữu hiệu, sắc bén trong việc phát hiện, xử lý những tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, nhân dân.
Tán thành với phương hướng nhiệm vụ ngành Thanh tra đã đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trước hết là trong công tác thanh tra, cần chủ động thanh tra theo kế hoạch, đồng thời thường xuyên nắm chắc tình hình, đề xuất những việc thanh tra đột xuất, tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực xảy ra nhiều tiêu cực, vi phạm, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nếu thấy cần thiết, phát hiện chấn chỉnh những bất cập trong quản lý và xử lý kịp thời những vi phạm, tiêu cực... Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, cần hết sức chú ý sau thanh tra, muốn thế phải đề cao giá trị pháp lý của kết luận thanh tra.
Về công tác phòng chống tham nhũng, đây là lĩnh vực quan trọng nhưng vô cùng khó khăn phức tạp, là cuộc chiến đấu lâu dài, kiên trì, đang là nỗi bức xúc trong dân. Thời gian qua dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn, cho nên phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để tạo chuyển biến rõ rệt, tiếp tục củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân. Tổng Bí thư lưu ý cần chủ động hướng dẫn và đôn đốc việc triển khai các biện pháp phòng ngừa như kê khai tài sản, thu nhập, công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, cải cách thủ tục hành chính, chống cho được phiền hà nhũng nhiễu, thực hiện nghiêm các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các chính sách, đây là các biện pháp phòng ngừa, để không muốn, không thể tham nhũng... Đồng thời, ngành Thanh tra cần đẩy mạnh hơn việc phát hiện tham nhũng, chủ động thanh tra, khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra, nếu vướng luật, vướng cơ chế thì phải sửa; có biện pháp thu hồi được nhiều hơn tài sản do tham nhũng mà có. Ngành Thanh tra cần mở nhiều kênh tiếp nhận thông tin về tham nhũng, coi trọng đơn thư, phát hiện của báo chí... đây là kênh rất quan trọng để phát hiện, xử lý kịp thời và kiên quyết các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.
Trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, cần thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài. Năm 20 là năm tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp, ngành cần xem xét, giải quyết các đơn, thư tố cáo một cách hợp lý, đúng quy định, phân biệt rõ thật – giả. Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải chú trọng giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, những khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách thường xuyên, kiên trì, bao gồm cả 3 nhóm vấn đề, 4 nhóm giải pháp.
Ngành Thanh tra cần chú trọng củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chấn chỉnh khắc phục những nền nếp tác phong công tác, tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ, kiên quyết làm trong sạch lành mạnh đội ngũ, nâng cao phẩm chất đạo đức, dũng khí, trình độ năng lực của những người làm công tác thanh tra, phải thực sự thanh sạch, ngay ngắn, có bản lĩnh, dám đương đầu, dám hy sinh vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành là dịp ôn lại truyền thống, phát huy những thành tích, kinh nghiệm đã có, xây dựng người cán bộ thanh tra phải thực sự mẫu mực, liêm chính, gương mẫu, người cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt. Đồng thời, ngành thanh tra tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Tổng Bí thư ghi nhận các ý kiến kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế luật pháp, tuy nhiên phải trên cơ sở tổng kết công phu, tính toán kỹ lưỡng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra.
Tổng Bí thư mong muốn ngành Thanh tra tiếp tục phát huy những thành tích, kinh nghiệm đã có, khắc phục mọi khó khăn, tồn tại hạn chế, tiếp tục thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.