Phóng sự - Ghi chép

Lừa đảo qua mạng - Chuyện dài kỳ và những bài học

Gia Đức 28/10/20 11:30

Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuy nhiên, hoạt động của loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, đáng chú ý nhất là hành vi lừa đảo giả danh cán bộ công an hay cơ quan thực thi công vụ.

Lừa đảo từ thành thị đến nông thôn

Mới đây, Công an xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã phát hiện và hướng dẫn người dân lấy lại được 55 triệu đồng suýt bị mất khi bị kẻ gian giả danh công an gọi điện.

Ông Trần Quang C. (1971, trú xã Diễn Hùng) là nạn nhân trong vụ việc này. Ông C. nhận được 1 cuộc điện thoại xưng tên là Dũng, cán bộ Công an huyện Diễn Châu.

1-1-.jpg
Lừa đảo bằng cách gọi điện thoại giả danh Công an hay cơ quan thực thi công vụ ngày càng tinh vi, phức tạp

Theo vị “cán bộ” trên thông báo thì căn cước của anh C. chưa cài định danh mức 2. Vị “cán bộ” này còn cho biết, việc này liên quan đến các giao dịch tại ngân hàng sau này nên nếu anh C. không thực hiện sẽ bị vô hiệu hóa tài khoản ngân hàng.

Thấy “cán bộ” đọc đúng tên mình, anh C. hoàn toàn tin tưởng đó là cán bộ Công an huyện Diễn Châu. Mặt khác, anh C. nhớ mình mới cài đặt định danh điện tử mức 1. Bên cạnh đó, tài khoản ngân hàng trên có liên quan đến sổ tiết kiệm của 2 vợ chồng và khoản tiền để chuẩn bị gửi cho con học Đại học nên anh C. đồng ý và ngỏ ý nhờ người “cán bộ” trên hướng dẫn quy trình thực hiện online.

Người tự xưng "cán bộ" yêu cầu ông C. cung cấp các thông tin như: mã số định danh, ngày tháng năm sinh, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... để giúp ông C. cài đặt định danh điện tử mức độ 2.

Sau khi cung cấp các thông tin cho đối tượng gọi điện, ông C. phát hiện 55 triệu đồng trong tài khoản của mình biến mất, lúc này người bạn cũng phát hiện ra sự việc và nghi ngờ hành vi giả danh để lừa đảo nên đã đưa ông C. đến công an xã trình báo sự việc.

Nhờ trình báo sớm, nên Công an xã Diễn Hùng đã hướng dẫn ông C. phối hợp với ngân hàng ngăn chặn giao dịch nên đã kịp thời can thiệp, giữ lại được số tiền của ông C. trước khi bị kẻ gian rút.

Mới đây nhất ngày 26/10, chị Nguyễn Thị S. (SN 2000) trú ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành cũng gặp trường hợp tương tự. Chuông điện thoại vang lên, chị vừa bấm máy nghe thì đầu dây bên kia giới thiệu là “cán bộ” Công an.

2(1).jpg
Anh C. được Công an xã Diễn Hùng hướng dẫn thủ tục để lấy lại số tiền 55 triệu đồng từ “Công an” dởm.

Vị cán bộ này thông báo là chị S. chưa làm căn cước Công dân (CCCD) cho con nên chưa đồng bộ được hồ sơ điện tử. Người này hướng dẫn chị cầm CCCD của mẹ và giấy khai sinh của con đến Công an huyện Yên Thành để làm, tuy nhiên có thể gọi điện video “làm giúp” chị S. tại nhà để không phải đi lại.

Đang chuẩn bị lấy giấy tờ ra để làm theo, chị S. chợt nhớ trước đó cũng đã có người đăng bài trên mạng xã hội khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lừa đảo, nên chị S. hỏi vài câu hỏi ngược lại, khiến vị “Công an” bị động. Lúc này, chị S. nghi ngờ đối tượng đang gọi là lừa đảo nhằm lấy thông tin nên chị S. đã tắt máy.

Cần nâng cao cảnh giác

Dù đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng bà L.T.H. (SN 1970, trú tại xã Diễn Yên) vẫn chưa thể quên được cuộc điện thoại của người tự xưng Công an khiến bà suýt mất 1 tỷ đồng.

Theo đó, người tự xưng là Đội trưởng Đội điều tra phòng chống tội phạm kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) thông báo chị có số tiền lớn gửi tại ngân hàng Agribank bị rò rỉ thông tin, nếu không kịp thời bảo mật sẽ bị mất số tiền trên.

3.jpg
Công an Xã Diễn Yên hỗ trợ kịp thời giúp công dân không bị chiếm đoạt mất 1 tỷ đồng từ cuộc gọi giả danh.

Đối tượng người này yêu cầu bà H. cung cấp thông tin cá nhân liên quan, đồng thời chuyển số tiền 1 tỷ đồng vào số tài khoản 1088751xxx mang tên Đỗ Văn Q. tại một ngân hàng khác và không được để cho người khác biết.

Không một chút nghi ngờ, bà H. liền đến phòng giao dịch Yên Lý (huyện Diễn Châu) làm thủ tục rút sổ tiết kiệm và chuyển số tiền nói trên qua số tài khoản mà đối tượng cung cấp.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong, do không liên lạc lại được với đối tượng, nghi ngờ đã bị lừa nên bà H. nhanh chóng trình báo với cơ quan chức năng.

Nhận được tin báo, Công an xã Diễn Yên phối hợp Công an huyện Diễn Châu nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ.

Lực lượng Công an đã ngay lập tức làm thủ tục yêu cầu phía ngân hàng Agribank xác minh, đình chỉ ngay việc giao dịch do bà H. thực hiện. Qua đó, đã kịp thời ngăn chặn được hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của đối tượng xấu.

Công an khuyến cáo, người dân cần cảnh giác khi có người tự xưng là cán bộ của các cơ quan chức năng (công an, tòa án, viện kiểm sát…) gọi điện thoại thông báo vụ việc liên quan đến bản thân và đề nghị cung cấp thông tin hoặc chuyển tiền thanh toán chi phí…

Nếu có nghi vấn hoặc nghe các thông tin liên quan đến công an thì cần phải lên trụ sở công an gần nhất để xác minh và được tư vấn các biện pháp ngăn chặn tránh những hậu quả khó lường xảy ra.

Bên cạnh đó, mỗi người hãy bảo vệ thông tin cá nhân bằng cách không chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến.

Đặc biệt, cẩn trọng với việc cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào cho người mà mình không biết rõ, tránh rơi vào tình trạng “ tiền mất, tật mang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lừa đảo qua mạng - Chuyện di kỳ v những bi học