Hiện nay, Chính phủ cho phép người dân được quyền sử dụng pháo hoa trong một số sự kiện đặc biệt như cưới hỏi, sinh nhật, lễ, Tết, hội nghị, khai trương... Tuy nhiên, người dân cần phân biệt được pháo hoa, pháo nổ để an toàn khi sử dụng.
Theo Nghị định 137, Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) hướng dẫn pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo nổ gây ra tiếng nổ lớn, có nguy cơ gây sát thương cho người xung quanh. Khi mua, người dân cần phân biệt rõ 2 loại này.
Để an toàn PCCC, pháo cần phải đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt, không để vật nặng tì đè lên, không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt hay các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và để xa tầm tay của trẻ em. Quá trình vận chuyển cần phải nhẹ nhàng, không để pháo va đập mạnh và tránh vận chuyển gần các nguồn sinh nhiệt và lửa, tránh ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và môi trường.
Người dân chỉ nên mua pháo hoa với số lượng đủ dùng theo mục đích sử dụng, không nên mua số lượng lớn để dự trữ. Việc sử dụng pháo hoa phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi sử dụng, cần đặt pháo hoa ở nơi bằng phẳng, rộng, cách xa những vật liệu dễ bắt cháy tối thiểu 4 - 5m, khoảng cách an toàn nhất là 10m.
Người dân không sử dụng pháo hoa gần nơi chứa các chất, vật liệu đặc biệt dễ cháy nổ. Không sử dụng ở trong nhà hoặc những không gian có mái che, trên cao phải thông thoáng, không có vật cản, đường dây điện...
Khi pháo cháy hết cần để nguội trong khoảng thời gian tối thiểu phút hoặc có thể tưới ướt pháo để không còn tàn lửa rồi mới cho vào thùng rác.
Nếu không may xảy ra tai nạn, sự cố cháy nổ, phải nhanh chóng báo ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 hoặc qua app "Báo cháy 114" để kịp thời xử lý.
Hiện nay, chỉ có nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng mới được phép sản xuất pháo hoa, do đó, theo lực lượng QLTT, chỉ mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
"Khi mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng tại các cửa hàng bán lẻ thì người dân sẽ nhận được hóa đơn bán lẻ, hãy giữ lại hóa đơn bán lẻ này để xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra", theo Tổng cục QLTT.
Người dân cần chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo, tuyệt đối không để trẻ em lén lút sử dụng pháo.
Việc mua, bán, tàng trữ pháo hoa trái phép đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Do đó người dân nên thận trọng trong việc mua, bán, sử dụng pháo hoa, tránh hiểu nhầm dẫn đến vi phạm pháp luật.
Mọi hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (theo nghị định 144 năm 2021) với mức phạt từ 2-40 triệu đồng hoặc bị xử lý hình sự theo các tội danh như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm…
Ngoài ra, mặc dù các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng pháo hoa theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137 nhưng nếu sử dụng pháo hoa tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về "Tội gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 20.