Để ngăn chặn tín dụng đen, nhiều địa phương đã phát động chiến dịch tẩy xa, thu gom tờ rơi, tờ bướm quảng cáo vay nặng lãi...
Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất, kinh doanh bị hạn chế do áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, trong khi đó nhu cầu chi tiêu để đảm cuộc sống hàng ngày của người dân vẫn phải duy trì thường xuyên. Nắm bắt được nhu cầu vay vốn tăng cao của người dân, hoạt động tín dụng đen có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Với các chiêu thức dụ dỗ như vay không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân, cà vẹt xe hoặc hộ khẩu là có thể vay tiền nhanh, gọn không phải qua các thủ tục rườm rà như vay ở các tổ chức tín dụng. Đối tượng cho vay nặng lãi thường nhắm đến là người nghèo, người đau ốm cần tiền nhanh để chữa bệnh, người dân có trình độ dân trí thấp, đặc biệt là các đối tượng cờ bạc, nghiện ngâp,…
Đối tượng cho vay nặng lãi thường quy tập những thành phần bất hảo, nghiện ngập, có tiền án, tiền sự…để làm việc cho bọn chúng; công khai phát tờ rơi, tờ bướm,…ở ngoài đường, gửi từng nhà, dán cột điện, vỉa hè hoặc dùng mạng xã hội để thu hút người vay, thậm chí tìm kiếm, thu thập số điện thoại để nhắn tin quảng cáo cho vay.
Nếu vô tình gọi tới số điện thoại của đối tượng cho vay nặng lãi nhưng không vay thì cũng phải trả phí tư vấn, ít nhất là 500 ngàn đồng, nếu để qua một ngày mà không trả thì số tiền sẽ lên đến 1 triệu…
Ảnh minh họa
Mặc dù, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi vẫn hoạt động công khai, ngày càng manh động, gây mất trật tự an toàn xã hội, hủy hoại, tàn phá cuộc sống của người dân nhưng việc triệt phá các đối tượng, băng nhóm, tổ chức cho vay nặng lãi là rất khó khăn.
Lực lượng công an rất khó thu thập chứng cứ để xử lý theo quy định. Bởi bọn chúng hoạt động hết sức tinh vi, chuyên nghiệp, liều lĩnh, bài bản, có kẻ cầm đầu, thường né tránh, hạn chế va chạm đến pháp luật. Người vay chỉ viết giấy nợ, còn lãi suất, hình thức thanh toán đều thỏa thuận miệng; khi không có khả năng thanh toán thì bọn chúng dùng “luật rừng” để xử lý, uy hiếp, bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản của người vay.
Để ngăn chặn tín dụng đen, nhiều địa phương đã phát động chiến dịch tẩy xóa, thu gom tờ rơi, tờ bướm quảng cáo vay nặng lãi; tuyên truyền, vận động nhân dân không vay nặng lãi, nếu có khó khăn về tài chính thì liên hệ với tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức tài chính có đăng ký kinh doanh hợp pháp để vay; đồng thời, khuyến khích người dân tố giác các hành vi cho vay nặng lại để cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Bên cạnh đó, lực lượng công an địa phương phải quản lý chặt chẽ các đối tượng hoạt động cho vay năng lãi; theo dõi, thu thập chứng cứ để xử lý theo quy định. Vận động nhân dân hoặc nạn nhân của tín dụng đen cung cấp chứng cứ về hành vi cho vay nặng lãi để xử lý hình sự.
Mặt khác, các tổ chức tín dụng cần đơn giản tối đa thủ tục cho vay, tiện lợi, nhanh chóng để người dân có khó khăn về tài chính được tiếp cận với nguồn vốn. Khuyến khích tổ chức, cá nhân dùng khoản tiền nhàn rỗi của mình để cho vay, giúp nhau sản xuất, kinh doanh hoặc giúp đỡ người vay vượt qua khó khăn, hoạn nạn…với lãi suất hợp lý, phù hợp với pháp luật; khi phát sinh tranh chấp thì giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nhà nước cần chuẩn bị các nguồn vốn vay để người dân có nhu cầu vay vốn dễ tiếp cận; phát huy vai trò của hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội các cấp trong việc hỗ trợ người dân vay vốn. Chính quyền địa phương phải khảo sát hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn, tổng hợp và gửi Ngân hàng chính sách xã hội để làm thủ tục cho vay vốn một cách nhanh, gọn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người vay.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò của ban quản lý thôn, tổ dân phố, hội phụ nữ, hội nông dân và các hội đoàn thể khác thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, đoàn viên tiếp cận với khoản vay không lãi xuất để sản xuất hoặctiêu dùng, không để đoàn viên, hội viên sa vào vòng xoáy của tín dụng đen.
Có như vậy, mới có ngăn chặn hoạt động tín dụng đen có dấu hiệu bùng phát trong đại dịch Covid – 19 gây mất an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống bình yên của người dân.