Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững tại Đắk Lắk đặt ra yêu cầu tái cơ cấu toàn diện, từ kiểm soát chất lượng đến đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Chiều /5 tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan như Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước cùng đại diện nhiều tỉnh, thành phố trồng sầu riêng .
Trong bối cảnh sầu riêng đang là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao, nhưng đối diện nhiều rủi ro về thị trường, hội nghị là diễn đàn để nhìn nhận lại toàn diện và đưa ra giải pháp phát triển bền vững cho ngành hàng này.
Xuất khẩu sụt giảm mạnh - Cần tái cơ cấu toàn diện
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&MT), năm 20, Việt Nam xuất khẩu 595.000 tấn sầu riêng, trong đó 97,2% đi Trung Quốc, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm mạnh 71,3% về sản lượng và 74% về giá trị, khiến thị phần giảm từ 42,1% xuống còn 28,2%.
Nguyên nhân chính được xác định là vi phạm các yêu cầu kiểm dịch thực vật của Trung Quốc như: Mã số vùng trồng không đạt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, chất lượng lô hàng không đồng đều...
Ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển. Trong những năm gần đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng tăng trưởng nóng, kéo theo sự mở rộng nhanh chóng quy mô xuất khẩu. Điều này cũng đặt ra áp lực lớn về kiểm soát chất lượng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường Trung Quốc.
Với tốc độ phát triển “nóng” trong những năm qua, diện tích trồng sầu riêng ở nhiều địa phương đang vượt quy hoạch. Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 38.800 ha sầu riêng, chiếm 21,7% cả nước, song mới chỉ khoảng 11% diện tích được cấp mã số vùng trồng đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
“Nếu tiếp tục mở rộng diện tích tự phát, không kiểm soát đầu vào – đầu ra, thì ngành hàng này sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn ‘được mùa – mất giá – dội chợ”, ông Nguyễn Thiên Văn – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cảnh báo.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng, hiện còn nhiều thách thức và hạn chế của ngành sầu riêng. Cụ thể là tỷ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu còn thấp; Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, chất lượng chưa đồng đều;
Liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, cơ sở hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ; sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, chưa nâng cao giá trị gia tăng; một số vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.
Trên cơ sở đó, ông Văn đề nghị, hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho các loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm dịch thực vật và cơ sở chiếu xạ tại tỉnh Đắk Lắk để giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất.
Các đại biểu tại hội nghị thống nhất cao với kiến nghị xây dựng trung tâm chiếu xạ – kiểm nghiệm – logistics chuyên biệt cho sầu riêng tại Tây Nguyên, thay vì phải vận chuyển hàng nghìn km về TP.Hồ Chí Minh để xử lý trước khi xuất khẩu, vừa tốn chi phí vừa kéo dài thời gian.
Một trong những hạn chế lớn của ngành sầu riêng là sản xuất manh mún, thiếu liên kết. Nhiều hộ dân, hợp tác xã còn chạy theo phong trào, chưa hiểu rõ quy định của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.
“Hiện nay, nhiều vùng trồng được cấp mã số, nhưng lại để hộ dân bên ngoài tuồn hàng vào. Nếu không chấn chỉnh nghiêm túc, bạn hàng sẽ quay lưng với chúng ta”, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai nêu thực trạng.
Một số doanh nghiệp cũng chia sẻ khó khăn trong việc duy trì chất lượng sản phẩm do thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn, thiếu lao động lành nghề, và đặc biệt là chưa có nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng để đầu tư công nghệ sơ chế, bảo quản.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu ở Đắk Lắk đề xuất: “Bên cạnh việc siết mã số vùng trồng, cần tăng cường đào tạo kỹ thuật cho nông dân, đồng thời mở thêm kênh tín dụng nông nghiệp xanh để hỗ trợ chuyển đổi sản xuất an toàn.”
Mở rộng thị trường – Tăng giá trị
Đa dạng hóa thị trường được xác định là giải pháp then chốt để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhiều thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Đông... đang quan tâm đến sầu riêng Việt Nam, nhưng lại đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và tiêu chuẩn GlobalG.A.P.
Theo Bộ trưởng NN&MT Đỗ Đức Duy đánh giá, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua. Diện tích trồng sầu riêng đã tăng gần 6 lần, lên gần 180.000ha, trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm hơn 30.000ha, đưa loại quả này trở thành trái cây chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trước thực trạng trên, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm trong hội nghị.
Trước hết, cần phân tích toàn diện nguyên nhân của sự tăng trưởng nóng, từ đó nhận diện rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong quản lý chất lượng, vùng trồng và khả năng truy xuất nguồn gốc. Việc siết chặt kiểm tra tại các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, cho thấy yêu cầu ngày càng cao về minh bạch và tiêu chuẩn hóa trong chuỗi cung ứng.
Song song với đó, ngành cần nhanh chóng nâng cao năng lực kiểm nghiệm, kiểm dịch, và truy xuất tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là khâu then chốt để đảm bảo trái sầu riêng Việt Nam giữ vững được thị phần trong các thị trường trọng điểm.
Bên cạnh các giải pháp nội tại, Bộ trưởng cũng kêu gọi tăng cường chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các quốc gia xuất khẩu sầu riêng thành công như Thái Lan và Malaysia, những nước đã xây dựng được mô hình quản lý vùng trồng hiệu quả, logistics đồng bộ và chuỗi giá trị bền vững.
Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược dài hạn cho ngành hàng, tập trung vào phát triển thị trường tiêu thụ mới, đầu tư vào chế biến sâu và từng bước đưa sầu riêng Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định: "Nếu không sớm tái cơ cấu, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ đánh mất niềm tin từ khách hàng và làm tổn hại đến uy tín nông sản Việt Nam." Ông đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, bao gồm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao năng lực kiểm nghiệm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.
“Phải coi đây là bước tái cấu trúc tất yếu. Chúng ta không thể vừa muốn giá cao vừa làm theo kiểu cũ được. Cần sự vào cuộc đồng bộ của nông dân, doanh nghiệp, địa phương và chính sách Nhà nước”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận hội nghị...
Hội nghị tại Đắk Lắk không chỉ nhìn nhận lại những bất cập của ngành sầu riêng, mà còn là lời hiệu triệu cho một chiến lược phát triển dài hạn, bền vững và có trách nhiệm – nếu không muốn sầu riêng Việt Nam chỉ là “hiện tượng ngắn hạn” trên bản đồ xuất khẩu nông sản.
Sầu riêng Việt Nam – Những con số đáng chú ý: 595.000 tấn sầu riêng được xuất khẩu năm 20; 97,2% lượng xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; trên 38.800 ha diện tích trồng tại Đắk Lắk – địa phương dẫn đầu cả nước; chỉ 11% diện tích tại Đắk Lắk được cấp mã số vùng trồng; giảm 74% giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm 2025.