Nếu khng được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân bị ngộ độc rượu c thể tử vong. Do đ, cần biết cách sơ cứu ngộ độc rượu nhanh chng để giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc c thể xảy ra.
Rượu, bia là thức uống thường thấy trong dịp Tết Nguyên đán. Không cần bày mâm, chỉ cần chai rượu, bia và một hai món đơn giản cũng có thể nhâm nhi cả buổi. Tuy nhiên, do quá "chén" và tình trạng rượu giả, rượu chất lượng kém khiến nhiều người phải nhập viện. Không chỉ mất cái Tết mà nhiều người còn thiệt mạng vì bia, rượu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào những dịp trước, trong và sau Tết năm nào cũng vậy, lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu lại tăng đột biến. Năm nay cũng không ngoại lệ, tăng hơn hẳn so với thời gian trong năm, cho dù đã được cảnh báo nhiều về tác hại do rượu gây nên.
Theo BS Nguyên, các trường hợp ngộ độc rượu ethanol khá phổ biến, nhưng lo ngại nhất chính là các trường hợp ngộ độc rượu có chứa methanol (loại cồn công nghiệp). Đa phần các ca ngộ độc methanol có nguy cơ tử vong rất cao.
Bệnh nhân ngộ độc rượu đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
BS Nguyên cho hay, ngộ độc rượu xảy ra ở cả hai dạng: cấp tính và mãn tính. Ngộ độc rượu cấp tính khiến người uống bị mất thăng bằng, nôn, rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tử vong. Với người bị bệnh xơ gan chỉ cần đưa vào cơ thể một lượng rượu nhỏ (từ 300 - 500ml) cũng có thể dẫn tới ngộ độc cấp tính, đe dọa tính mạng.
Trong trường hợp ngộ độc rượu mãn tính, hệ luỵ sẽ lớn hơn. Người mắc bệnh này sẽ bị hoảng loạn tinh thần do rượu, sẽ có những thay đổi lệch lạc trong nhân cách, hành vi, lời nói, cử chỉ, thậm chí bị hoang tưởng ảo giác, có hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Cũng theo cảnh báo của BS, người càng trẻ, có thể trạng gầy yếu thì nguy cơ ngộ độc rượu dẫn đến hạ đường huyết, gây đến tổn thương não càng cao. Bên cạnh đó, cũng không hiếm trường hợp còn phải chịu di chứng sau điều trị ngộ độc rượu như suy thận, viêm tụy…
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, cần hạn chế hoặc không sử dụng rượu là tốt nhất, nếu uống và bị ngộ độc rượu mức nhẹ, tức là ngồi được, nói chuyện được thì người thân nên cho người bị ngộ độc ăn nhẹ, tốt nhất là các món có tinh bột, uống nước pha mật ong, nước canh hoặc đường. Không nên cho uống nước chanh, cam hoặc có vị chua, các chất này sẽ kích thích dạ dày, gây ói.
Trường hợp có người thân say rượu mức độ nặng như không ngồi được, lờ đờ, thở khò khè, chân tay lạnh, gọi không biết thì nên để người ngộ độc rượu nằm nghiêng về phía bên phải, hay còn gọi là tư thế nằm nghiêng an toàn, để cổ và đầu ở vị trí thoải mái dễ thở, nếu trời lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân và gọi cấp cứu.
Đáng lưu ý, một số gia đình đã quen với cảnh người thân say rượu rồi đi ngủ, hôm sau vẫn dậy đi làm bình thường. Tuy nhiên, đây là điều nên tránh bởi vì một số trường hợp bệnh nhân đã bị hôn mê, nếu hôm sau mới phát hiện và đưa đi viện thì không thể cứu được. Do vậy, người nhà cần chú ý chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu, tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm.