“Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp lm trung tâm phục vụ - Giải pháp v hnh động” l chủ đề chính của Tọa đm Đại sứ -Doanh nghiệp bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31.
Ngày 10/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tham dự toạ đàm có các Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng CQĐD Việt Nam đương nhiệm ở nước ngoài, các Đại sứ, Trưởng CQĐD mới được bổ nhiệm nhiệm kỳ 2021-20, khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp và đại diện các bộ, ngành liên quan.
Thế giới đang chuyển dịch, đất nước đang chuyển mình, doanh nghiệp đang phải thích ứng
Với chủ đề “Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và hành động”, tọa đàm gồm một phiên thảo luận toàn thể và 05 phiên kết nối theo các khu vực châu Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương và Trung Đông-châu Phi.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã lần đầu tiên thông qua chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Thứ trưởng đánh giá thế giới đang chuyển dịch, đất nước đang chuyển mình và doanh nghiệp đang phải thích ứng. Quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp là nắm bắt được thời thế, đón đầu được các cơ hội để phục hồi và phát triển trong tình hình mới. Theo đó, tọa đàm là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực nhằm cụ thể hóa và triển khai chủ trương của Đại hội Đảng XIII, đồng thời là cơ hội để các Đại sứ, Trưởng CQĐD Việt Nam chia sẻ những xu thế mới, những vấn đề mới đặt ra với các doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng khẳng định ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ sự phát triển của các doanh nghiệp, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một bộ phận chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề nghị tọa đàm tập trung thảo luận các giải pháp và hành động cụ thể để ngành Ngoại giao đáp ứng tốt nhất kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, vươn ra thị trường thế giới và xây dựng thương hiệu Việt Nam.
Doanh nghiệp cần nắm bắt, tận dụng hiệu quả xu thế kinh tế số, kinh tế xanh
Trao đổi tại phiên thảo luận, các Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Trung Quốc, Anh, Úc, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cung cấp, cập nhật tới các doanh nghiệp những thông tin, xu hướng, chính sách nổi bật của các địa bàn phụ trách; đề xuất các cơ hội hợp tác, kinh doanh mà các doanh nghiệp có thể tận dụng, thúc đẩy.
Các Đại sứ nhấn mạnh kinh tế số, kinh tế xanh là những xu thế, lĩnh vực đang được các nước đẩy mạnh; các doanh nghiệp cần tập trung nắm bắt và tận dụng hiệu quả.
Các Đại sứ cũng khẳng định sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tạo “đột phá” thực sự vào các thị trường mới để mở rộng kinh doanh, đầu tư, hợp tác quốc tế và nâng cao giá trị, thương hiệu các sản phẩm Việt Nam tại các thị trường và chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Đại diện lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá cao Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm với chủ đề hết sức thiết thực; cảm ơn các đơn vị của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã luôn hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ các CQĐD luôn là địa chỉ tin cậy, là nơi đầu tiên các doanh nghiệp tìm đến khi ra hợp tác, đầu tư ở nước ngoài. Lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị các Trưởng CQĐD tiếp tục giúp cung cấp thông tin, kết nối đối tác, thu hút các Quỹ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, các ngành nghề tạo bứt phá cho phát triển như công nghệ, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng thời quan tâm tuyên truyền, bảo vệ hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm Việt Nam và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp ở nước ngoài.
Năm phiên kết nối giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp theo các khu vực đã diễn ra hết sức thực chất và hiệu quả. Các doanh nghiệp đã trực tiếp chia sẻ nhu cầu cụ thể về thị trường, đối tác, các thông tin về định hướng xuất khẩu, dự án đầu tư cần được hỗ trợ và thúc đẩy. Các doanh nghiệp cũng đề nghị các Trưởng CQĐD giúp kết nối với chính quyền và các đối tác của sở tại, hỗ trợ để các sản phẩm có giá trị của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quốc tế, tìm kiếm các đối tác đầu tư,…Các Trưởng CQĐD ở nước ngoài đều khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; các doanh nghiệp có thể liên hệ với các Đại sứ bất cứ lúc nào khi cần.
Tọa đàm đã diễn ra thành công và hiệu quả, tạo diễn đàn trao đổi thông tin hai chiều hết sức thực chất và giá trị. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ cảm kích trước những nỗ lực của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, mở đường giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các xu thế mới để phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng rất ấn tượng với tinh thần Ngoại giao Kinh tế “lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” của Bộ Ngoại giao.