Thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và an ninh y tế, quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc đến tay người dân có chất lượng với giá hợp lý.
Bình ổn thị trường thuốc
Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần này đã sửa đổi, bổ sung một số khoản để thống nhất với quy định tại Luật Giá 2023, Nghị định số 85/20/NĐ-CP ngày 10/7/20 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá 2023.
Cụ thể, dự Luật bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 107 để quy định cụ thể việc kê khai giá, niêm yết giá, bình ổn giá, hiệp thương giá thuốc theo pháp luật về giá: Niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Hiệp thương giá theo quy định của pháp luật về giá.
Đồng thời, bổ sung 1 khoản tại Điều 107 để quy định đặc thù về quản lý giá thuốc theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Giá 2023 (Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó).
Cụ thể là công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến, trừ trường hợp thuốc sản xuất hoặc nhập khẩu không vì mục đích thương mại được miễn công bố theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, dự thảo Luật quán triệt nguyên tắc quản lý giá thuốc phải đảm bảo theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định pháp luật; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và Nhà nước.
Đồng thời, giữ nguyên quy định về "kê khai giá thuốc trước khi lưu hành", đổi thuật ngữ "kê khai giá" thành "công bố giá". Việc công bố giá dự kiến đối tượng là thuốc kê đơn, áp dụng với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu; còn kê khai giá theo Luật Giá là thuốc thiết yếu, áp dụng với cơ sở bán buôn, bán lẻ.
Cần bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng
Tuy nhiên, dự thảo Luật còn nhiều điều cần sửa đổi để tăng hiệu quả quản lý giá thuốc, tránh gây nhiễu loạn thị trường và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định: Tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?
Theo đại biểu, khi quản lý về chuyên môn thì cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, nhưng khi quản lý về giá thì cần phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.
Ngoài ra, tại Điều 2 của dự thảo có nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến. Điều này được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc.
Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định, và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo. Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.
Ví dụ, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao.
Còn đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, đang có sự bất cập giữa quy định về kê khai giá thuốc trong dự thảo Luật này và Luật Giá hiện hành. Do vậy, để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật và đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa hai luật, tránh ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu và quản lý giá thuốc…
Đại biểu cũng cho biết, hiện nay số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành là rất lớn (khoảng 22.000 thuốc). Như vậy sẽ có rất nhiều thuốc có hoạt chất, nồng độ và hàm lượng tiêu chuẩn giống nhau, trong khi các thuốc có hoạt chất mới hoặc có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn lại rất ít.
Do vậy đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định hoặc hàng rào kỹ thuật để hạn chế cấp mới giấy phép đăng ký lưu hành đối với các thuốc có sự trùng lặp, nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản xuất thuốc mới.
Cho rằng thuốc là sản phẩm hàng hoá đặc biệt, không ai đi mặc cả giá thuốc như khi đi mua các loại hàng hóa khác. Vì thế, nhiều đại biểu đề nghị, giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù chứ không chỉ tuân theo Luật Giá...