Đời sống

Người nữ biệt động và ký ức về năm tháng hào hùng

Ngọc Minh 28/04/2025 - 22:

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, tại căn nhà nhỏ cuối đường Dương Văn An, phường Xuân Phú, TP Huế, không khí như trầm lắng lại trong sự xúc động và tự hào để nghe những câu chuyện góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.

Cựu nữ biệt động thành, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lài đón các đồng đội cũ, những người từng sát cánh bên nhau trong những năm tháng khốc liệt của chiến trường Trị - Thiên Huế để cùng ôn lại ký ức hào hùng của những ngày tiến công giải phóng quê hương, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, thống nhất đất nước cách đây tròn 50 năm.

z6460082504085_0c92d14ab1357756586d53835d23ccf3.jpg
Anh hùng Nguyễn Thị Lài trò chuyện với Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát trong lễ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Ảnh tư liệu)

Những ngày tháng Ba rực lửa

Theo lời kể của các cựu binh, vào 5 giờ sáng ngày 21/3/1975, khắp Thừa Thiên Huế bừng tỉnh trong tiếng súng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta. Từ ba hướng Bắc, Tây và Nam, các lực lượng vũ trang đồng loạt tấn công, đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch.

Đường rút chạy của địch về Đà Nẵng bị chặn đứng, hàng nghìn xe di tản ùn tắc và hỗn loạn. Ngày 25/3/1975, quân giải phóng từ nhiều hướng tiến vào thành phố Huế, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ hệ thống chính quyền ngụy quân, ngụy quyền.

Sáng 26/3/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Cố đô, báo hiệu Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng, mở đường cho chiến dịch tiến công vào Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4 lịch sử.

Người nữ chiến sĩ thầm lặng

Giữa những người con anh hùng ấy, câu chuyện về bà Nguyễn Thị Lài - người nữ biệt động thành kiên trung, gan dạ luôn được nhắc đến bằng tất cả niềm tự hào.

Năm 14 tuổi, Nguyễn Thị Lài đã bắt đầu hoạt động cách mạng trong vai trò giúp việc nhà, dưới sự chỉ đạo của tổ chức. Ban ngày, bà cần mẫn với công việc, đêm đến lại lặng lẽ đi rải truyền đơn, dán cờ cách mạng dưới lớp vỏ bọc bán bánh mì dạo.

Không lâu sau, bà được điều động về lực lượng trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh TP Huế, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh táo bạo, "xuất quỷ nhập thần", khiến kẻ địch không kịp trở tay.

z6460081128975_ca589fb5cb5996c536cd1945ea0e4077.jpg
Anh hùng Nguyễn Thị Lài nâng niu những phần thưởng cao quý và kỷ vật của đời mình

Nhớ về một trận đánh đầy cảm tử vào tháng 2/1971, bà Lài kể lại: Sau thất bại của địch tại chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Mỹ ngụy đã tổ chức chiếu phim, triển lãm "chiến thắng giả tạo" tại rạp chiếu bóng Tân Tân (đường Trần Hưng Đạo, Huế) nhằm trấn an tinh thần binh lính.

Bằng sự gan dạ và trí thông minh, Nguyễn Thị Lài mặc áo dài trắng, hóa trang thành bạn gái một sĩ quan ngụy, mang theo giỏ hoa che giấu quả mìn đã hẹn giờ sẵn. Khi tiếng nổ vang lên giữa rạp, nhiều sĩ quan địch bị tiêu diệt, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho chính quyền tay sai.

Sau những chiến công ấy, bà bị địch bắt. Trong ngục tối, Nguyễn Thị Lài bị tra tấn dã man nhưng trước mọi cực hình, bà vẫn giữ vững khí tiết, quyết không khai báo.

Chiến tranh kết thúc, tháng 6/1976, Nguyễn Thị Lài được vinh danh tại Đại hội tuyên dương Anh hùng các lực lượng An ninh miền Nam và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, một phần thưởng xứng đáng cho lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của người nữ chiến sĩ cách mạng.

Ký ức sống mãi với thời gian

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những ký ức về mùa Xuân 1975 vẫn sống động trong lòng những người lính năm xưa. Tại căn nhà nhỏ ở TP Huế, trong tiếng trò chuyện rôm rả, trong ánh mắt ánh lên niềm tự hào, những câu chuyện về những trận đánh oanh liệt, những lần vượt qua cái chết trong gang tấc, vẫn được kể lại như mới hôm qua.

"Chúng tôi đã chiến đấu cho đất nước, cho tự do, cho non sông nối liền một dải. Có khó khăn, có mất mát, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy mình đơn độc", bà Lài chia sẻ.

Ngày hôm nay, đất nước đã đổi thay từng ngày, cuộc sống yên bình trải dài từ Bắc tới Nam. Những thế hệ đi sau sẽ mãi mãi ghi nhớ, tri ân những người đã ngã xuống và những người như Nguyễn Thị Lài, người đã góp phần viết nên trang sử chói lọi của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nữ biệt động v ký ức về năm tháng ho h ng