Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/20/NĐ-CP quy định về chuyển đổi công ty Nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Công ty TNHH MTV) tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Công ty Công ty TNHH MTV kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước
Theo Nghị định mới ban hành, Công ty TNHH MTV kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi; được sử dụng toàn bộ tài sản, lao động, diện tích đất do công ty được chuyển đổi đang quản lý để tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật;
Công ty TNHH MTV chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi gồm: các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất đai theo quy định pháp luật về đất đai, các nghĩa vụ và trách nhiệm khác;
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH MTV kế thừa toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi.
Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
Nghị định cũng quy định rõ nguyên tắc kê khai và thực hiện đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo đúng các thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Quyết định chuyển đổi công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV (sau đây gọi tắt là Quyết định chuyển đổi).
Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi chịu trách nhiệm về các thông tin đã phê duyệt tại Quyết định chuyển đổi.
Đối với các thông tin không có tại Quyết định chuyển đổi, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin do doanh nghiệp tự kê khai.
Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Việc đóng dấu đối với các tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Người có thẩm quyền ký hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định tại Quyết định chuyển đổi.
Việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.
Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp: Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp; cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết các tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp, giữa thành viên của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân khác.
Trình tự, thủ tục chuyển đổi
Theo đó, công ty nhà nước xây dựng Đề án chuyển đổi theo các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định này; Điều lệ của Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.
Trên cơ sở đề xuất của công ty nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành Quyết định chuyển đổi (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này).
Sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành Quyết định chuyển đổi, công ty nhà nước gửi hồ sơ đăng ký chuyển đổi theo quy định tại Điều 6 Nghị định này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho công ty nhà nước.
Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho công ty nhà nước và nêu rõ lý do.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/20 thay thế cho Nghị định số 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ.