Gửi bình luận
Để hiểu hơn về nghề báo, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/20), Báo Công lý đã có buổi trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Hoàng Hà (bút danh Hoàng Hà), người được mệnh danh là "ông vua" chùm ảnh đất Bắc, chia sẻ về những khó khăn, tâm sự về nghề báo, về công việc của một Phóng viên Ảnh.
PV: Anh có thể chia sẻ về cơ duyên và quá trình làm nghề của mình?
Nhà báo Hoàng Hà: Thực ra tôi thích nghề báo từ khi còn chưa học đại học. Ngay cả lúc chưa làm báo, tôi từng khuyên nhủ một vài người bạn của mình hãy đi làm nhà báo, bởi tôi thích làm một phóng viên và bạn cũng nên như vậy.
Khi học đại học ra, tôi kinh doanh ngành ảnh, mở studio chụp và nhận dịch vụ chụp hình cho tổ chức, cá nhân. Một ngày tình cờ, tôi có người em làm ở một tờ báo điện tử gọi điện nói rằng đang thiếu phóng viên ảnh, nếu muốn làm thì ứng tuyển. Ngay lập tức tôi bỏ hết cửa hàng kinh doanh ảnh để đi làm phóng viên. May mắn tôi được TBT nhận luôn sau khoảng 20 phút phỏng vấn tại phòng làm việc.
PV: Mọi người thường gọi anh với cái tên “ông vua” chùm ảnh đất Bắc, anh có thể chia sẻ về nó không?
Nhà báo Hoàng Hà: Cái biệt hiệu đó từ lâu rồi, là do đồng nghiệp gọi vui thôi. Vì số lượng bài ảnh, thời đó gọi là chùm ảnh trên báo điện tử mỗi tháng những năm đó của tôi không có bất kỳ ai đuổi theo được, có tháng đạt tới 75 bài, con số đó chắc đến bây giờ vẫn chưa ai vượt qua được.
Một mình tôi là phóng viên ảnh cho một tờ báo điện tử, làm việc mọi lĩnh vực từ chính trị, xã hội, văn hoá giải trí, thể thao… Tôi lại bị chứng “nghiện” công việc, nên hầu như ngày nào cũng làm ra sản phẩm, người ta gọi là cày bài.
PV: Một phóng viên ảnh có những khó khăn gì, thưa anh?
Nhà báo Hoàng Hà: Khó khăn thì nhiều. Làm công việc của một phóng viên ảnh vất vả hơn phóng viên viết, luôn phải ra hiện trường, phải canh, rình rập, săn, thậm chí phải làm kỹ, mất nhiều thời gian mới ra được tác phẩm ảnh gọi là chấp nhận được, chưa nói là tốt hay không tốt. Tôi có một nguyên tắc cho bản thân bất di bất dịch, có thể than thở thu nhập thấp nhưng không được phép than mệt. Từ khi tôi làm quản lý, phóng viên của tôi mà hơi làm một tý đã kêu mệt là tôi ghét lắm.
PV: Theo anh, mỗi tác phẩm ảnh báo chí đòi hỏi sự dấn thân và tinh thần trách nhiệm như thế nào?
Nhà báo Hoàng Hà: Chụp một tấm ảnh bình thường, nhiều người đều có thể chụp được. Chụp một tấm ảnh mà những người khác cũng ở vị trí đó, điều kiện đó mà chụp không bằng bạn, thì bạn là người có góc nhìn tốt, tư duy tốt.
Một tấm ảnh tốt ngoài bố cục màu sắc chuẩn, hiện đại, thì phải đạt thẩm mỹ cao và nội dung truyền tải, thông điệp phải rõ ràng, tóm lại ảnh phải thấy có giá trị trực quan, giúp người xem nhìn rõ vấn đề.
Nhà báo Hoàng Hà
Phóng viên ảnh khác thợ ảnh hay nhiếp ảnh gia ở chỗ nào, là ở chỗ ngoài việc chụp ảnh, người phóng viên đó phải ghi nhận thêm thông tin bổ sung để gửi đến cho bạn đọc, giúp độc giả hiểu vấn đề hơn. Có những bức ảnh chỉ thể hiện được một nửa sự thật, phần trăm sự thật còn lại phải mô tả thêm bằng text.
Một tấm ảnh tốt ngoài bố cục màu sắc chuẩn, hiện đại, thì phải đạt thẩm mỹ cao và nội dung truyền tải, thông điệp phải rõ ràng, tóm lại ảnh phải thấy có giá trị trực quan, giúp người xem nhìn rõ vấn đề.
Sự dấn thân và tinh thần trách nhiệm của người thực hiện bức ảnh là điều đương nhiên. Ví dụ như khi tác nghiệp mưa ngập mà phóng viên cứ đứng trên bờ câu xuống, ngại lội nước thì không thể có tác phẩm tốt. Điều đó là chắc chắn. Đó chính là trách nhiệm trong việc đưa tin, trong các tác phẩm ảnh báo chí truyền tải tới độc giả.
PV: Tiêu chí nào của một phóng viên ảnh theo anh là cần nhất?
Nhà báo Hoàng Hà: Khi đăng tuyển phóng viên ảnh, tôi hay bị đồng nghiệp trêu đùa là yêu cầu cao như vậy bù lại lương phải khủng. Nhưng trên thực tế tôi cho rằng, muốn chất lượng cao, muốn hay muốn thành công thì phải như vậy.
Ví dụ như người chụp ảnh đẹp, có con mắt thẩm mỹ, có tư duy báo chí, tư duy tìm kiếm và phát hiện đề tài, biết viết, biết biên tập xâu chuỗi câu chuyện ảnh rồi có thiết bị máy ảnh, nhiều ống kính để phù hợp mọi hoàn cảnh, chưa kể phải là người siêng năng, có sức khoẻ để làm việc lâu dài và trên hết là tình yêu nghề. Nếu có lòng yêu nghề, người phóng viên đó sẽ vượt qua được nhiều trở ngại.
Để làm tốt ở mọi lĩnh vực, ngoài thiết bị máy và ống kính đầy đủ mua sắm khá tốn kém thì yếu tố kinh nghiệm và con mắt thẩm mỹ của phóng viên ảnh rất quan trọng. Ngoài ra, người cầm máy ảnh làm báo còn phải có tư duy ảnh báo chí, tư duy hệ thống một bài báo bằng ảnh ngay từ trước khi tác nghiệp, đang tác nghiệp.
Thêm nữa, phóng viên ảnh cần phải chăm chỉ, dấn thân, tận tuỵ với công việc thì mới cho ra được một bài báo chất lượng tốt. Báo viết làm dở về thì sửa lại được, thậm chí đăng rồi vẫn sửa được, nhưng ảnh đã chụp thì không sửa được, hoặc để mất khoảnh khắc cần thiết đã trôi qua rồi là hỏng.
Tôi vẫn có quan điểm và thường truyền lại cho các bạn trẻ đó là chỉ làm việc bằng tinh thần trách nhiệm là không đủ.
Báo viết làm dở về thì sửa lại được, thậm chí đăng rồi vẫn sửa được nhưng ảnh đã chụp thì không sửa được, hoặc để mất khoảnh khắc cần thiết đã trôi qua rồi là hỏng.
Nhà báo Hoàng Hà
Phải yêu nghề, say nghề, tất cả vì nghề, vì danh dự của nghề thì tác phẩm của mình mới đạt chất lượng như ý. Ví dụ thực hiện một phóng sự ảnh sau khi biên tập lên trang, thấy thiếu chi tiết gì đó mà còn thời gian thì nên quay lại đó chụp thêm kể cả xa vài chục km, làm sao cho hoàn hảo nhất có thể. Đấy mới là sự tận tụy, lòng yêu nghề, hết mình vì tác phẩm.
PV: Anh có thể chia sẻ về những nguy hiểm, vất vả, khó khăn khi tác nghiệp?
Nhà báo Hoàng Hà: Kỷ niệm thì rất nhiều. Phóng viên hiện trường bị chửi, bị doạ đánh là chuyện bình thường, nhất là với các đề tài mang tính điều tra. Nhưng nếu nói về sự rủi ro và nguy hiểm khi tác nghiệp phải nói đến những đợt tác nghiệp bão, lũ, mưa ngập.
Tôi chưa có cơ hội đi thực hiện tin bài về lũ ở miền núi, nhưng những vụ mưa ngập lịch sử Hà Nội năm 2008, lũ ở Hà Tĩnh năm 2010, bão ở các tỉnh miền Bắc, thậm chí là tại Ninh Thuận, Nha Trang năm 2017 tôi từng tham gia. Tôi từng nhiều lần chạy xe máy vào các điểm nóng tác nghiệp.
Tôi không biết bơi, đến bây giờ vẫn chưa biết bơi, ấy thế mà năm đó từng say nghề quên cả nguy hiểm, đó là thuê một còn thuyền nhỏ đi một cách tròng trành ngay bên các nóc nhà để chụp ảnh ngập lụt. Sau này về nghĩ lại, chỉ một sơ sẩy nhỏ thôi là lớn chuyện rồi. Chắc mọi người cũng biết, từng có phóng viên bị lũ cuốn cách đây ít năm.
Một kỷ niệm khác không phải là nguy hiểm nhưng tôi nhớ mãi, đó là năm 2018 khi có cơ hội tác nghiệp tại trận chung kết U23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc. Năm đó, ngoài bức ảnh sân vận động bị phủ đầy tuyết vào buổi sáng chụp từ trên cao gửi về tòa soạn đăng trở thành bức ảnh độc đáo, lan truyền khắp không gian mạng thì ở trong trận đấu, lúc đó tôi không có ống kính tốt, thiết bị kém và cũ, tuyết lại rơi liên tục, điều kiện tác nghiệp khó khăn, tôi đã chụp hỏng rất nhiều pha bóng ý nghĩa của đội U23 Việt Nam. Trận đấu lịch sử đó là kỷ niệm vừa vui vừa buồn khiến tôi cứ tiếc nuối mãi.
PV: Anh có thể chia sẻ một số thành tích mà bản thân đã đạt được trong quá trình làm nghề mà bản thân mình thấy tự hào?
Nhà báo Hoàng Hà: Thành tích của tôi khiêm tốn, không có gì. Nếu cứ đem giải thưởng nhiếp ảnh làm thước đo thành công của bản thân thì tôi không có thành tích gì đâu. Tuy nhiên, tôi đã đạt được một số thứ mà hiếm người đạt được.
Về giải thưởng nhiếp ảnh tôi có 5-7 lần đoạt những giải theo chủ đề, giải lớn như giải Diên Hồng thì đồng tác giả. Một phần bởi tôi ít tham gia các cuộc thi.
Thành tích vui nhất là tôi đã được đặt chân đến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tôi có cái duyên được xuất ngoại. Thư viện ảnh của tôi có hàng trăm tác phẩm ảnh ở cả 5 châu lục. Làm nghề báo được đi đây đó, được chụp ảnh viết bài về mọi vùng đất, địa điểm du lịch như vậy là tuyệt vời rồi.
Các công trình nổi tiếng thế giới như Tượng Nữ thần tự do ở New York, tháp Eiffel ở Pháp, cầu tháp London tại Anh, cầu xích Budapest ở Hungary, sa mạc Sahara ở Morocco, các sân vận động Old Trafford, Bernabeu, Nou Camp… tôi đều đã từng dùng máy ảnh cá nhân ghi lại. Nếu tôi làm một triển lãm cá nhân với những bức ảnh ở 5 châu đó, có lẽ cũng là điều hiếm phóng viên ảnh báo chí nào làm được
PV: Quan điểm làm nghề của anh là gì?
Nhà báo Hoàng Hà: Nghề báo nói chung sẽ bị kém về vật chất nhưng tinh thần thì luôn tràn trề. Đôi khi chụp được tấm ảnh đẹp, được khen thì vui cả tuần. Ai có được một thư viện ảnh toàn tác phẩm quý là họ rất giàu. Cái giàu ở đây là giàu về tinh thần. Mà đã giàu tinh thần thì dễ nghèo về vật chất. Đó là thực tế. Ví dụ chi phí cho những chuyến đi sáng tác ảnh luôn là những con số lớn.
Đã có nhiều phóng viên ảnh vẫn theo đuổi được nghề, cũng có nhiều người không theo được nghề chuyển sang công việc khác. Cái đó tuỳ duyên và tùy theo lựa chọn của mỗi cá nhân.
Để gắn bó được với nghề này phải chấp nhận gian khổ, vất vả. Tôi làm quản lý đã gần 11 năm, nhưng vẫn cầm máy ra hiện trường tác nghiệp để duy trì sự đam mê và độ nhạy bén, đỡ bị ì, đồng thời truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Tôi thấy thương các bạn vất vả, lăn lộn nhiều nhưng đổi lại thu nhập không được là bao. Mà có những em có bao tiền lại đầu tư cho máy ảnh, ống kính, chưa kịp khấu hao đã hỏng. Tốn kém nhất là chi phí đầu tư thiết bị.
PV: Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, anh có thể gửi một lời chúc, nhắn gửi đến các nhà báo, phóng viên trẻ để giúp họ được “truyền lửa” trong quá trình làm nghề.
Nhà báo Hoàng Hà: Lợi thế nhất của các bạn trẻ là sức khỏe. Ngay từ khi còn phong độ các bạn hãy tận dụng cơ hội đó để phát huy phẩm chất và lợi thế của mình. Làm thật nhiều, đi thật nhiều, trải nghiệm nhiều. Làm ngay những việc cần làm, đừng chần chừ để sau này không phải hối tiếc và lại nói… “giá như”.
Làm ngay những việc cần làm, đừng chần chừ để sau này không phải hối tiếc và lại nói… “giá như”, nhà báo Hoàng Hà.
Cá nhân tôi thì chỉ cần có cơ hội là rời bỏ việc “đút chân gầm bàn”, sẵn sàng đeo balo xách máy lên đường, kể cả mưa ngập, nắng nóng. Cái gì có lợi cho tòa soạn, cho độc giả thì tôi làm. Tôi không “kén cá chọn canh” trong công việc. Làm nghề thế nào hãy để độc giả và đồng nghiệp để ý cái tên mình, nhớ đến mình, thích đọc báo mình vì mình, đó mới là cái khó.
PV: Làm sao để anh luôn giữ được nhiệt huyết và đam mê trong quá trình làm nghề của mình?
Nhà báo Hoàng Hà: Có lẽ là do tôi có niềm đam mê chụp ảnh. Những loại hình nhiếp ảnh mà tôi ưa thích là thời sự, sân khấu và phong cảnh. Các phóng viên ảnh hay nhiếp ảnh gia thường mỗi người mạnh một lĩnh vực. Có người làm tốt ở lĩnh vực thể thao, người thì mạnh ở những bức ảnh đời thường trên đường phố hoặc có người lại giỏi ở lĩnh vực ảnh thời trang… Riêng ba thứ đó tôi lại không mạnh.
Khi đăng một bài báo hay một bức ảnh, nó được lan truyền đến hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người xem, làm được điều mà thấy bản thân mình có giá trị, phát huy những giá trị đó phục vụ sự phát triển của tòa soạn, phục vụ độc giả, giúp ích cho xã hội… Tất cả những yếu tố đó đủ để giữ được nhiệt huyết và niềm đam mê trong tôi.
PV: Để truyền tải được thông điệp của bức ảnh một cách hiệu quả nhất theo anh cần những gì?
Nhà báo Hoàng Hà: Một bức ảnh tốt bằng cả nghìn lời mô tả. Tuy nhiên, để được đa chiều thì nó vẫn thiếu hàng trăm ngôn ngữ cần phải mô tả thêm. Như tôi đã nói, một bức ảnh chưa phản ánh đủ thông tin tới người xem ảnh, nếu bức ảnh đó không được tác giả vận dụng các kỹ năng và kinh nghiệm của một người làm nghề vào khi đưa tác phẩm lên mặt báo. Ví dụ như ngoài những gì nội dung bức ảnh đã cho thấy, phóng viên cần quan sát các diễn biến quanh khoảnh khắc đó đồng thời khai thác thông tin từ chính nhân vật trong ảnh.
PV: Làm quản lý, theo anh trách nhiệm của người làm báo sẽ có vai trò và ý nghĩa như thế nào?
Nhà báo Hoàng Hà: Làm báo là một trong những loại hình lao động đặc biệt, đòi hỏi nhà báo phải luôn nỗ lực để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của công chúng. Như mọi người đã biết, tính chiến đấu và tính nhân văn phải luôn song hành, đan hòa. Yếu tố trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp là rất quan trọng. Một bức ảnh được chỉnh sửa khiến bản chất sự việc khác đi có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Làm báo nói chung, cái tâm phải trong sáng, trách nhiệm phải cao để bảo vệ lẽ phải.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!
Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng.
Đồ họa: Tuấn Dũng.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Hà (bút danh Hoàng Hà), sinh năm 1976, hiện là Thư ký tòa soạn báo VietNamNet. Từng có thâm niên 8 năm là phóng viên ảnh VnExpress, 9 năm là Trưởng Ban ảnh Tạp chí Tri thức- Zingnews. Anh từng tham gia đóng góp vào các đề tài nghiên cứu khoa học về ảnh báo chí tại Học viện Báo chí Tuyên truyền, là giám khảo của nhiều cuộc thi ảnh lớn, nhỏ đồng thời tham gia giảng dạy các kỹ năng cơ bản về ảnh báo chí cho các cơ quan báo chí, doanh nghiệp trên cả nước.