Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) thay thế Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Thời gian lấy ý kiến góp ý kéo dài đến hết ngày 16/7/2025 với nhiều đề xuất đáng chú ý.
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý theo quy định. Dự thảo Luật gồm 9 chương và 50 điều, được xây dựng bám sát chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, điều ước quốc tế và thực tiễn trong nước; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và kiến tạo hành lang pháp lý đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Giảm mạnh thủ tục hành chính
Một trong những đề xuất nổi bật của dự thảo là nội dung về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cụ thể:
Dự thảo Luật dự kiến cắt giảm 32/74 thủ tục hành chính, chiếm 43,% (cắt giảm điều kiện thành lập tổ chức kiểm định; cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến thành lập phân hiệu, công nhận hội đồng quản trị, đăng ký bổ sung hoạt động GDNN; tích hợp các thủ tục hành chính liên quan đến việc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài). 42/74 thủ tục hành chính về thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở GDNN; đăng ký hoạt động GDNN; thành lập văn phòng đại diện; liên kết đào tạo với nước ngoài được đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ trong tổ chức và hoạt động GDNN.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí xã hội, tăng năng suất và hiệu quả công việc, gắn trách nhiệm người thực hiện công việc và người đứng đầu đơn vị; thực hiện chủ trương chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đáng chú ý, theo nội dung dự thảo Luật, nhiều nội dung được đề xuất sửa đổi, hoàn thiện như: Chương trình, trình độ và tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giảng viên, giáo viên, người dạy nghề; chính sách tài chính của nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp; tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kiểm định giáo dục nghề nghiệp.
Đơn cử, so với quy định hiện hành tại Điều 5 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, dự thảo sửa đổi đã đổi tên và mở rộng khái niệm về các đơn vị tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, bên cạnh các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng như trước đây, dự thảo còn đề cập đến các trường trung học nghề - tổ chức đào tạo chương trình trung học nghề, chương trình trung cấp.
Đề xuất bổ sung chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Dự thảo cũng bổ sung nhiều nội dung quan trọng như: chương trình trung học nghề tích hợp giữa kiến thức cốt lõi của chương trình THPT và chuyên môn nghề cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS; trường trung học nghề; cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang, cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật được tham gia đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp;
Bên cạnh đó, công nhận kết quả học tập, năng lực nghề nghiệp đã tích lũy; vai trò của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp; giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu;
Bổ sung chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo, hệ thống bảo đảm chất lượng; hoạt động hợp tác đầu tư của cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Bộ GD&ĐT, việc bổ sung các quy định trên nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của nhà nước về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ kỹ thuật then chốt; thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời; thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
Đồng thời, xây dựng hệ thống quy chuẩn về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo nhằm thống nhất phương thức tổ chức, hoạt động đào tạo và hỗ trợ việc đánh giá, phân loại, đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp.