Nhiều lo ngại về rủi ro lạm phát sẽ gia tăng trong năm 2022 khi triển khai thực hiện gi hỗ trợ phục hồi kinh tế với quy m lớn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra dự báo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV, chỉ tiêu lạm phát năm 2021 ở mức dưới 4% có thể đạt được, nhưng rủi ro lạm phát năm 2022 là rất lớn với hàng loạt yếu tố rủi ro có thể nhận diện được như: khủng hoảng năng lượng; giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu; xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước đang diễn ra...
Đến thời điểm hiện tại, giá cả hàng hóa Việt Nam có dấu hiệu tăng chậm so với thế giới. Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2021, chỉ số CPI chỉ có tháng 2 tăng mạnh (1,52%) còn lại 9 tháng chỉ tăng hoặc giảm nhẹ trong khoảng -0,2% đến 0,6%, CPI bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020 và cả năm 2021 dự báo ở mức 2,1-2,3%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm.
Dự báo, CPI cả năm 2021 ở mức thấp (khoảng 2%), Việt Nam tránh được nguy cơ “lạm phát đình đốn” (stagflation). Dù vậy, nếu so với con số tăng trưởng GDP dự báo trên 3% thì rõ ràng mức lạm phát không hề thấp.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn. Do đó, rất cần chính sách giải ngân đầu tư công hiệu quả, góp phần kích thích tăng trưởng. Đồng thời, cân nhắc quy mô gói hỗ trợ theo hướng mạnh tay nhưng phải phù hợp, thực thi có hiệu quả để DN có thể hưởng lợi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để kiểm soát lạm phát, riêng yếu tố tăng giá nhiên liệu, nguyên vật liệu từ nước ngoài rất khó thay đổi do hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nước trên thế giới đang phục hồi nên chúng ta phải chấp nhận mức giá cao ở một thời điểm nhất định. Thay vào đó, bản thân các doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất - kinh doanh sao cho tiết kiệm tối đa chi phí mà vẫn đạt hiệu quả tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt giá cả, tránh tình trạng "té nước theo mưa"; tăng cường quản lý những mặt hàng do nhà nước định giá, mặt hàng thuộc diện phải kê khai giá, làm cho giá cả đi vào nền nếp, ổn định thị trường.
Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước - Bộ Công Thương , dự đoán trước được tình hình, nhiều DN đã chủ động có phương án cung ứng hàng hóa, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng có kế hoạch triển khai các chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm giúp thị trường hàng hóa thiết yếu ít có biến động bất thường.
Để dư địa kiểm soát lạm phát trong mục tiêu có thể được hiện thực hóa, nhóm nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phối hợp chính sách trong kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các gói kích cầu và cung.
Thứ ba, chú trọng phát triển kinh tế số - xã hội số; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh; nâng cao hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát trong trung - dài hạn.
Thứ tư, tăng cường truyền thông để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các thông tin chính thống về lạm phát, biến động giá cả.
Thứ năm, hoàn thiện, thống kê và công bố đầy đủ các chỉ số liên quan đến lạm phát như PPI (chỉ số giá sản xuất), chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước (GDP-Deflator) nhằm phản ánh bao quát hơn, chính xác hơn xu hướng dài hạn của lạm phát, hỗ trợ hoạch định và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (tiến tới điều hành lạm phát mục tiêu).